Ngày 14/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sìn Hồ khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra tại thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu theo quy định tại khoản 1, Điều 232 Bộ luật hình sự.
Trước đó ngày 13/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sìn Hồ tiếp nhận tin báo về tội phạm trên báo điện tử Dân Việt. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo. Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương xác minh thông tin. Xác định 02 đối tượng thường xuyên thu gom các loại gỗ trôi nổi trên địa bàn, sau đó chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ và bán lấy tiền. Cụ thể: Đào Đăng Nghĩa (41 tuổi) và Vũ Duy Biên (35 tuổi) cùng trú tại khu phố 3, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
|
Ảnh (Báo điện tử Dân Việt): Chế biến gỗ tại cơ sở của Vũ Duy Biên
|
Tiến hành kiểm tra tại các cơ sở của 02 đối tượng trên, các lực lượng chức năng phát hiện nhiều vật chứng là các khúc gỗ thuộc nhóm quý, hiếm với khối lượng lớn. Trong đó: Tại cơ sở của Vũ Duy Biên, phát hiện 324 khúc gỗ lũa các loại có khối lượng khoảng 03 tấn và 01 bức tượng thành phẩm có khối lượng khoảng 200 kg; Tại cơ sở của Đặng Đăng Nghĩa, phát hiện khoảng 30 tấn gỗ lũa các loại, 74 khúc gỗ tròn và 230 sản phẩm từ gỗ đã được chế tác thành phẩm.
|
Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp tới chỉ đạo công tác điều tra xác minh
|
Công an huyện Sìn Hồ đã thu giữ và niêm phong toàn bộ số gỗ trên để điều tra, xử lý theo quy định. Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sìn Hồ đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Vũ Duy Biên, ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Đặng Đăng Nghĩa về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điều 232, Bộ luật hình sự 2017.
|
Các khúc gỗ bày được bày khắp nơi trong nhà hai đối tượng
|
Trong vài năm trở lại đây, nhiều người không tiếc tiền bỏ ra cả hàng chục triệu, thậm chí cả tỷ đồng để sở hữu một số mặt hàng mà giới chơi đồ gỗ cho là hàng“độc”, họ cho rằng sở hữu các loại sản phẩm này càng quý hiếm, càng to, càng cao như thể hiện, khẳng định đẳng cấp của mình càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu “chơi sang” của một bộ phận người dân muốn trang trí nội thất bằng gỗ quý hiếm, việc tận diệt, khai thác, vận chuyển, kinh doanh gỗ trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường rừng, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.
|
Nhiều khúc gỗ đã được chế tác thành phẩm
|
Việc ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, khai thác gỗ trái phép, nhất là khai thác, mua bán các loại gỗ quý hiếm để làm các sản phẩm mỹ nghệ, đồ chơi của một số người chính là hành động nhằm góp phần tạo cho vốn rừng ngày thêm đa dạng, phát triển.