Thời gian qua, khu vực Đại lộ Lê Lợi, Quảng trường Nhân dân tỉnh xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, lạng lách đánh võng, nẹt bô.... Lực lượng Công an thành phố Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh căng mình ngăn chặn, xử lý nhưng dường như cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa.
Các “quái xế” khích bác rủ rê nhau
Muôn nẻo vi phạm.
Không gương, không mũ bảo hiểm, tháo biển số hoặc dùng khẩu trang, dán băng che biển số, ống xả được “độ” để tạo tiếng ồn… đó là hàng loạt các lỗi vi phạm khi các thanh thiếu niên tụ tập về Đại lộ Lê Lợi (thành phố Lai Châu) để “thể hiện đẳng cấp”. Chưa hết, bên trái tay xách cuối yên xe của các “tiểu tướng” còn có thêm một vòng vải “đai”, đầu xe dán chữ “25 Lai Châu Racing Team”. Các đối tượng lạng lách đánh võng tốc độ cao, rú ga nẹt bô… gây kinh hoàng cho người tham gia giao thông. Thậm chí chúng còn hò hét trêu ngươi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và bất chấp hiệu lệnh của người thi hành công vụ khi tăng tốc “thông chốt” mà không cần biết đến hậu quả ra sao.
Đặc điểm phương tiện đuôi xe có “đai”đầu xe team “troen ti phai”
Chứng kiến cảnh tượng trên, người dân đi bộ, hóng mát trên tuyến đường này chỉ biết lắc đầu ngao ngán đi kèm với lo ngại cho một bộ phận giới trẻ hiện nay. Ông Tạ Ngọc Bình, tổ trưởng Tổ dân phố 16 phường Tân Phong bức xúc nói ”Nhân dân không tán thành những hành vi coi thường pháp luật của các cháu trẻ. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, đề nghị Nhà nước cần nghiên cứu ban hành bổ sung chế tài xử lý thật nghiêm khắc để có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung”.
Một đối tượng không chấp hành hiệu lệnh của CSGT điều khiển xe tăng ga “thông chốt”
Sở dĩ địa điểm này được các “quái xế” tập trung là bởi nơi đây có mặt đường rộng, thông thoáng; nhiều quán cóc với các dịch vụ ăn uống, là nơi để các thanh thiếu niên hiếu kỳ, nhận thức lệch lạc, tập trung ngồi theo dõi, cổ vũ, càng tạo phấn khích cho các đối tượng “diễn”.
Thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh về ra quân thiết lập trật tự kỷ cương đô thị “tuyên chiến với quái xế”, qua các đêm từ 10 - 16/7, lực lượng chức năng đã lập biên bản 75 trường hợp thanh thiếu niên (trong đó 33 trường hợp cư trú trên địa bàn thành phố Lai Châu, còn lại ở các địa bàn khác) vi phạm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô. Lực lượng CSGT đã ra quyết định tạm giữ 70 phương tiện xe máy, 5 giấy tờ khác. Trong số các trường hợp vi phạm có cả các cháu đang học THCS. Ngoài các lỗi thông thường như: Không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, chở quá số người quy định”, có 4 trường hợp “độ bô” và 4 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, lái xe với tốc độ rất cao lao qua chốt... Đây là một trong những lỗi vi phạm gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ cũng như người tham gia giao thông, cần phải được xử lý nghiêm.
Nhóm báo chốt - các “quái xế” thông tin cho nhau để tránh
Để xử lý được những đối tượng trên, lực lượng CSGT đã phải vất vả đêm hôm, cả sự hiểm nguy chực chờ trước sự liều lĩnh bất chấp mạng sống của chúng. Khi bắt giữ được chúng có khi lại bị phụ huynh “quái xế” đến khiếu nại như trường hợp: Vào lúc 21h30 ngày 13/7, đối tượng G A L. ở huyện Tam Đường mang “xế độ” ra Quảng trường Nhân dân tỉnh bốc đầu, lực lượng chức năng và một số người dân bức xúc đã phối hợp bắt giữ. Do quá “nóng mắt” nên rất nhiều người dân đi bộ có ý định “dạy cho cháu một bài học”. Song, nhờ có lực lượng Công an nên việc đó đã không xảy ra. Ngày 15/7, một nhóm người giới thiệu là người nhà của L. đã tập trung tại Công an thành phố Lai Châu để vặn hỏi Cơ quan Công an: “Tại sao con tôi ở nhà rất ngoan mà bị các anh Công an lại tạm giữ xe và có người dọa đánh nó???...”. Vậy là lực lượng Công an lại phải mất thời gian cho những người này xem video ghi lại lỗi vi phạm của L. để người nhà nắm được và có biện pháp giáo dục con mình tốt hơn. May thay, gia đình L. là những người hiểu biết nên đã chủ động rút lui và không ý kiến gì.
Xử lý triệt để - Khó hay dễ?
Khi nạn tụ tập lạng lách, nẹt bô, chạy xe tốc độ cao, bốc đầu diễn ra với mức độ dày hơn khiến người dân sống trong lo âu, ức chế. Dư luận xã hội thường “trao” trách nhiệm hoặc “đổ lỗi” cho lực lượng Công an khi không dẹp được vấn nạn này. Tuy nhiên, chỉ khi chứng kiến những buổi "dẹp" bốc đầu, nẹt bô, lạng lách “thông chốt” mới thấy hết được sự nan giải và nguy hiểm của lực lượng làm nhiệm vụ. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng, phải giải quyết xử lý nhiều công việc. Khi phát hiện, nơi nào có nẹt bô, đánh võng, lực lượng Công an chỉ có thể huy động được vài chục CBCS. Xác định chặn bắt những đối tượng coi thường mạng sống, chạy xe với tốc độ “bàn thờ”, lực lượng Công an cũng phải cân nhắc nhiều đến sự an toàn của người dân và cả CBCS làm nhiệm vụ. Với những hành động “khác người” mà lứa tuổi này gây ra có thể xem đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là một dạng tội phạm đường phố; gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn giao thông, cần phải được xã hội lên án, tẩy chay mạnh mẽ. Hành vi đó rất có thể dẫn tới những tai nạn thương tâm, để những người làm cha làm mẹ rơi vào thảm cảnh “đầu bạc khóc tiễn đầu xanh” hoặc mang nỗi đau, mang gánh nặng phải chăm nuôi đứa con tàn tật.
Hiện nay, tại quốc gia phát triển, với những trường hợp cố tình vi phạm, lực lượng thi hành công vụ được phép áp dụng công cụ và biện pháp mạnh để xử lý, trấn áp. Tại các nước như: Úc, Mỹ, khi tham gia giao thông chỉ cần không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn là đã bị bắt giữ hoặc nếu người tham gia giao thông cố tình bỏ chạy qua các chốt kiểm soát, sẽ bị một gờ giảm tốc chứa thiết bị chuyên dụng bên trong có thể kích hoạt các giàn đinh làm thủng lốp phương tiện để lực lượng chức năng khống chế, bắt về tội chống người thực thi công vụ.
“Xế độ” bị Công an thành phố tạm giữ
Nhìn sang các quốc gia khác để thấy, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ta cần sửa đổi quy định cho phép lực lượng làm nhiệm vụ được dùng biện pháp mạnh tay, lưới bùi nhùi, súng điện (ghi hình làm căn cứ miễn trừ trách nhiệm nếu có hậu quả xảy ra đối với người vi phạm) mới có tác dụng răn đe các đối tượng xem thường pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chế tài về hành chính lẫn hình sự vẫn chưa đủ sức răn đe so với sự nguy hiểm và hậu quả của các hành vi trên gây ra. Vì vậy, mức xử phạt liên quan đến hành vi nêu trên cần thiết phải tăng lên khoảng 5 lần so với hiện tại. Đối với những đối tượng trẻ em vi phạm các lỗi cố ý, xuống cấp về ý thức, đạo đức khi tham gia giao thông như: độ, chạy xe nẹt bô, bốc đầu, lạng lách tốc độ cao không chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ ... cần sớm phải đưa đi trường giáo dưỡng để quản lý, giáo dục. Về xử lý hình sự cũng cần sửa đổi quy định chi tiết theo hướng nếu hành vi lạng lách tốc độ cao trên đường phố, đánh võng chỉ cần có tài liệu video, lời khai nhân chứng chứng minh đối tượng điều khiển phương tiện gây mất an toàn, gây bức xúc cho người dân ở nơi công cộng đó mà có từ 3-5 người dân gửi đơn tố cáo thì bị khởi tố về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”; hành vi cố ý điều khiển phương tiện tốc độ cao lao qua các chốt tuần tra kiểm soát. hành vi cố ý điều khiển phương tiện tốc độ cao lao qua các chốt TTKS không chấp hành hiệu lệnh dừng xe phải bị xử lý về tội “chống người thi hành công vụ” bởi đây là loại hành vi coi thường pháp luật, cố ý chống lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Muốn “ngăn từ sớm, chặn từ gốc” tình trạng này cần phải có các giải pháp căn cơ, bền vững đó là các phụ huynh cần quản lý chặt con cái về những việc con làm, cho con tiền tiêu, giờ giấc sinh hoạt, phương tiện sử dụng… Trong thời gian nghỉ hè, tổ chức Đoàn Thanh niên cần nghiên cứu có các hoạt động giáo dục tư tưởng, nhận thức, đạo đức cho thanh thiếu niên và tạo ra các sân chơi bổ ích thu hút Đoàn viên tham gia để tránh đi các hoạt động tiêu cực ở độ tuổi này.
Một giải pháp khác, có lẽ thành phố Lai Châu cần tính toán đưa các quán nước, hàng ăn về phố đi bộ. Khu vực Quảng trường Nhân dân là không gian để người dân tập trung, thư giãn nâng cao đời sống tinh thần. Trong khi đó, tình trạng xe cộ, hàng quán ngổn ngang là có phần “nhếch nhác” không phù hợp. Đó còn chưa kể việc một bộ phận người dân vô ý thức xả rác, đổ nước thải khiến cho cảnh quan, môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hàng quán, xe cộ lộn xộn ảnh hưởng cảnh quan của Quảng trường Nhân dân.
Chung tay gìn giữ vẻ đẹp về cảnh quan, môi trường, khí hậu cũng như bảo vệ sự an toàn, bình yên của thành phố Lai Châu tươi đẹp là một việc không dễ nhưng chắc hẳn sẽ không khó nếu có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân.