Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực và dịch vụ xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ lợi ích của căn cước mới và có nhiều luận điệu cho rằng thẻ căn cước mới không có tác dụng gì so với cũ gây lãng phí ngân sách nhà nước. Vậy cụ thể thẻ Căn cước mới có gì đặc biệt.
Theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...). Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc... Đây là yếu tố hết sức nhân văn đáp ứng được đầy đủ các đối tượng trong xã hội.
Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội. Theo luật mới, sẽ mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên. Với công dân dưới 6 tuổi, để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi. Đảm bảo yếu tố quyền cơ bản của con người theo quy định của Hiến pháp.
Việc đổi tên thẻ là để thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch… Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam) đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người.
Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế. Việc đổi tên thẻ còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng đang sử dụng là thẻ căn cước (Identity Card). Việc này sẽ tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN).
Việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân vì theo Luật Căn cước công dân, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này. Theo đó, việc đổi tên thẻ cũng không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội đồng thời tên gọi mới cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và tiện lợi cho người dân trong tương lai./.