Ngày 25/7, tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ đạo 24 tổ chức hội ý nghiệp vụ nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 – 2025. Đại tá Phạm Hải Đăng – Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Trong giai đoạn từ ngày 15/12/2020 đến 30/6/2025, toàn tỉnh Lai Châu ghi nhận 58 vụ xâm hại trẻ em, với 126 đối tượng liên quan bị xử lý. Trong đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 44 vụ, 84 bị can; xử lý hành chính 11 vụ với 36 trường hợp. Đối với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, có 107 vụ với 243 đối tượng; khởi tố 63 vụ, 109 đối tượng; xử lý hành chính 44 vụ, 134 trường hợp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân phát sinh tội phạm và thảo luận nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý. Các giải pháp tập trung vào tăng cường phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục kỹ năng tự bảo vệ và ý thức trách nhiệm của cha mẹ, cộng đồng, đặc biệt là với nhóm trẻ có nguy cơ cao.
Đồng thời, nhấn mạnh vai trò nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cán bộ điều tra trực tiếp giải quyết các vụ việc liên quan. Các cấp, ngành, địa phương được khuyến nghị cần quan tâm cải thiện đời sống, việc làm, tạo điều kiện an sinh xã hội cho người dân; xây dựng các mô hình, sân chơi tập trung cho trẻ em để thuận tiện giám sát, quản lý. Phát huy vai trò tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong việc tư vấn, giáo dục, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc.
Phát biểu kết luận, Đại tá Phạm Hải Đăng khẳng định: “Công tác bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Các lực lượng chức năng đã nỗ lực phòng ngừa, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em, song thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp”.
Đại tá Phạm Hải Đăng yêu cầu các lực lượng tiếp tục rà soát, xác định rõ những vấn đề nổi cộm tại địa phương để có giải pháp phù hợp; nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý tin báo, thu thập chứng cứ nhằm phục vụ điều tra kịp thời. Cùng với đó, tăng cường quản lý địa bàn trên không gian mạng, đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa chủ động trong tình hình mới./.