Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024

Xây dựng chính sách bảo vệ Dữ liệu cá nhân phù hợp với thông lệ quốc tế

Thứ tư - 05/06/2024 09:37
Ngày 05/6/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội thảo Xây dựng chính sách bảo vệ Dữ liệu cá nhân. Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chủ trì Hội thảo. 
Các đại biểu dự Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành chức năng của Việt Nam có liên quan tới bảo vệ Dữ liệu cá nhân (DLCN); đại diện Đại sứ quán Ấn Độ; đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ; đại diện Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; một số hiệp hội, tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và các chuyên gia, học giả về công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo vệ DLCN.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người. Mức độ phổ biến của DLCN trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi DLCN không được bảo vệ tương xứng, đúng cách. Đến nay, đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ DLCN. Năm 2018, Quy định về bảo vệ DLCN tại Liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực, quy định chặt chẽ về công tác bảo vệ DLCN của các quốc gia thành viên.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tạo nền tảng và cơ sở cho nước ta tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, hiện có gần 80 triệu người sử dụng Internet.

Các đại biểu quốc tế phát biểu tại Hội thảo.
Các đại biểu quốc tế phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng tại Việt Nam còn hạn chế; tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý DLCN cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ DLCN. Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, DLCN... nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hậu quả trước mắt có thể xảy ra đối với một số người, nhóm người, gây thiệt hại về tài chính, tinh thần nhưng về lâu dài, các hình thức phạm tội liên quan tới DLCN có thể bùng phát trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường. 

Từ những yêu cầu cấp bách trên, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ DLCN, với 4 Chương, 44 Điều, quy định những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ DLCN, bước đầu đặt nền móng cho hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ DLCN của nước ta. 

Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Hội thảo Xây dựng chính sách bảo vệ DLCN nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về xây dựng chính sách quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về bảo vệ DLCN. 

Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu khai mạc Hội thảo.
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận hai nội dung chính gồm “Công bố định hướng, quan điểm, những nội dung chính trong xây dựng chính sách bảo vệ DLCN” và “Tiếp thu những khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ DLCN của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với Việt Nam”. 
Tại Hội thảo đã có nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đa chiều về chính sách bảo vệ DLCN dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ hệ thống pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, các cơ quan quản lý nhà nước trong và ngoài nước, kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp và kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật đối với công tác bảo vệ DLCN của Việt Nam. Các ý kiến đóng góp tới từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Google, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Baker McKenzie, META, Liên minh phần mềm (BSA), Công ty Cổ phần An ninh dữ liệu Việt Nam... đã cho thấy sự tâm huyết trong mong muốn hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện quy định về bảo vệ DLCN.
Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định không chỉ Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều xác định vai trò của việc bảo vệ DLCN phải phù hợp từng điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia, khu vực. Ở Việt Nam, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân cũng được đặt ra hết sức bức thiết trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm tới lợi ích của tổ chức, cá nhân… Do đó, việc xây dựng Luật Bảo vệ DLCN trong điều kiện hiện nay là vô cùng cần thiết.

Nguồn tin: bocongan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Trực ban
Số điện thoại cần biết
Hot line
An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao
laichau.gov.vn
bocongan.gov.vn
Lịch tiếp công dân
dichvucong.bocongan.gov.vn
Khai báo tạm trú
Chuyển đổi số
Cải cách hành chính
TRANG ZALO CÔNG AN LAI CHÂU
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay23,868
  • Tháng hiện tại383,982
  • Tháng trước1,605,976
  • Tổng lượt truy cập19,366,042
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down