Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 06 năm triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm triển khai thi hành Luật và phát sinh từ các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này...
Ngoài những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình triển khai thi hành Luật nêu trên, qua thực tiễn thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung các chế định mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, cụ thể là đáp ứng xu hướng của thế giới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội; thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại gắn với công tác chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong điều kiện cách mạng 4.0, cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), trong đó, có nghĩa vụ chịu sự quản lý, theo dõi của chính quyền cấp xã hoặc đơn vị quân đội. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập như: Chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý; thực tiễn đã xảy ra các đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã.
Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu để bổ sung các quy định về thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) để quản lý, theo dõi đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, quản lý chặt chẽ đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, phòng ngừa đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Đồng thời, sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (trong đó bổ sung các quy định về cơ quan có trách nhiệm thi hành, cơ chế giám sát, quản lý và các điều kiện bảo đảm để thi hành biện pháp ngăn chặn); theo đó, dự kiến sẽ đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Những tồn tại, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tạm giữ, tạm giam và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, do đó việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết với những lý do cụ thể như sau:
Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam để bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hai là, để nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành cơ sở giam giữ.
Ba là, để giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
Với những lý do nêu trên thì việc nghiên cứu để sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam là yêu cầu cấp thiết, khách quan và bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác tạm giữ, tạm giam trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất sửa đổi tên Luật thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cùng với đó, Luật này tập trung vào 3 chính sách, gồm:
Chính sách 1: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả sử dụng và vận hành mô hình cơ sở giam giữ.
Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Toàn văn dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.
Nguồn tin: bocongan.gov.vn
Góp ý dự thảo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn