Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu

Thứ ba - 12/11/2024 21:53
Buổi tuyên truyền của Mô hình móc khóa An ninh
Buổi tuyên truyền của Mô hình móc khóa An ninh
Nhằm vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Trong những năm qua công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu luôn được quan tâm và đặc biệt chú trọng.

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, với 265,095 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, là tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, quan trọng về an ninh, quốc phòng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dân số toàn tỉnh khoảng 482,100 nghìn người, gồm 20 dân tộc cùng sinh sống trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84% dân số toàn tỉnh.
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định Lai Châu là một trong những vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đây chính là cơ sở, điều kiện để Lai Châu tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Mặc dù có những thuận lợi nhất định, song Lai Châu vẫn là tỉnh khó khăn nhất cả nước, kinh tế phát triển chậm, thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế và không đồng đều, nhất là trong đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Đây là những vấn đề các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng nhằm kích động ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Thực tế trong thời gian qua các thế lực thù địch, phản động thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” và không ngừng lợi dụng các vấn đề “dân chủ, nhân quyền”, “dân tộc, tôn giáo” để tác động chuyển hóa nội bộ, gây mất ANTT; hoạt động lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, hoạt động tuyên truyền lập “ Nhà Nước Mông”, khiếu kiện…với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn để chống phá trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh hòng gây sự hoài nghi, chia rẽ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Lực lượng Công an xã phối hợp phòng PA02 Công an tỉnh tuyên truyền công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lực lượng Công an tỉnh Lai Châu đã chủ động nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong vùng đồng bào DTTS, trong đó xác định công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng CAND, làm chuyển hóa tình hình tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, xây dựng củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tính đến nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động 51 loại mô hình, nhân rộng ra 591 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, phát huy được những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp, hướng thiện, tạo điều kiện để quần chúng nhân dân tham gia trực tiếp, hiệu quả hơn vào công tác giữ gìn ANTT như mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”, “Cụm liên kết giáp ranh về ANTT”, “Cụm liên kết về ANTT các xã giáp ranh”, “Cổng trường an toàn giao thông”,“Bản bình yên về ANTT”, “Điểm sinh hoạt tôn giáo thuần túy bảo đảm ANTT”, “Móc khóa an ninh”, “Camera an ninh”,”3 không, 3 có”...Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khá đa dạng; tập trung ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Phạm vi hoạt động, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa rất đa dạng. Từ các mô hình chỉ được xây dựng trong một địa bàn đến có sự liên kết, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức; từ mô hình được xây dựng ở cấp cơ sở, trong các thôn, bản đến mô hình được nhân rộng trên phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh. Một số mô hình, điển hình được thông báo, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện để người dân tham gia trực tiếp, hiệu quả hơn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, lịch sử vùng đất, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền xuyên tạc, kích động tư tưởng ly khai chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng lập “Nhà nước Mông” tại cộng đồng.
Cùng với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, trong phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu là các trưởng bản, trưởng dòng họ, người cao tuổi đặc biệt các gương điển hình tuổi cao nhưng không quản ngại khó khăn gian khổ ngày đêm tận tụy đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, giải thích cho Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội...Tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2024 quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 549 tin báo, tố giác tội phạm, góp phần giúp các cơ quan điều tra của lực lượng Công an Lai Châu điều tra làm rõ 673 vụ, bắt giữ, xử lý, răn đe 903 đối tượng; triệt phá nhiều băng, ổ, nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó quần chúng nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số đã phối hợp vận động, thanh loại 17 đối tượng truy nã; vận động thu hồi 259 khẩu súng tự chế các loại; 01 nòng súng; 05 kíp nổ; 0,7 kg đạn chì, 01 kích điện; phát hiện 07 vụ, 08 đối tượng liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; thu giữ 292,24kg pháo các loại, 03 khẩu súng, 1.105 viên đạn; vận động phá nhổ trên với 3.305m2 và 3.679 cây thuốc phiện, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc 111 người nghiện ma túy; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 394 trường hợp chấp hành án phạt hình sự tại cộng đồng, 1.338 người chấp hành xong hình phạt tù chưa xóa án tích; phối hợp chuyển hóa 100% địa bàn phức tạp về ANTT; 93/94 xã đạt chỉ tiêu 19.2 trong Tiêu chí số 19, bộ tiêu chí nông thôn mới; 39/94 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến góp phần củng cố lòng tin, xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an. Đồng thời, phát huy năng lực sáng tạo, khơi dậy sức mạnh, tiềm năng to lớn và tạo khí thế sôi nổi các tầng lớp nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tình hình ANTT đã có nhiều chuyển biến, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài được giảm thiểu; tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn, vi phạm pháp luật đã giảm ở những nơi có mô hình; hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường.
Từ thực tiễn công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua lực lượng Công an Lai Châu rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai, xây dựng, nhận rộng mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số như sau:
Một là, Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương, do lực lượng Công an làm nòng cốt. Thực tế cho thấy địa phương nào có sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể thì công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến ở địa phương đó mới phát triển có chiều sâu và chiều rộng.
Hai là, Việc xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến phải căn cứ và bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở từng giai đoạn, trong từng thời gian tại từng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình xây dựng phải xác định và đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tránh tình trạng hình thức, máy móc, chạy theo số lượng, xây dựng các mô hình không thiết thực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, tổ chức đúc rút kinh nghiệm “mô hình hóa, thể chế hóa các điển hình” để phổ biến sâu rộng những kinh nghiệm của các mô hình, điển hình trên nhiều địa bàn.
Ba là, Trong quá trình xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến cần lựa chọn và bồi dưỡng lực lượng nòng cốt trong các mô hình, điển hình phải là các già làng, trưởng bản, người có chức sắc, có uy tín, người đứng đầu các dòng họ và có thái độ chính trị tốt, có tiếng nói trong từng dân tộc thiểu số, để đưa họ vào các vị trí quan trọng, chủ chốt ở các khu vực dân cư, người đứng đầu các mô hình. Đây là vấn đề cơ bản, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả tổ chức vận động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.
Bốn là, Công tác tuyên truyền mô hình, điển hình tiên tiến phải được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp sử dụng, phát huy ưu thế của các phương tiện thông tin đại chúng như Loa phát thanh, pano, áp phích, mạng xã hội… để phổ biến kinh nghiệm, trong đó chú trọng việc phổ biến kinh nghiệm xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến bằng các hình thức trực quan như cho tổ chức cá nhân đơn vị địa phương có phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào dân tộc ở mức trung bình hoặc yếu trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ, tham quan, trao đổi kinh nghiệm của các mô hình, điển hình tiên tiến để áp dụng kinh nghiệm đó tại địa bàn.

Tác giả: Phòng An ninh đối nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Trực ban
Số điện thoại cần biết
Hot line
An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao
laichau.gov.vn
bocongan.gov.vn
Lịch tiếp công dân
dichvucong.bocongan.gov.vn
Khai báo tạm trú
Chuyển đổi số
Cải cách hành chính
TRANG ZALO CÔNG AN LAI CHÂU
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay20,016
  • Tháng hiện tại314,414
  • Tháng trước808,884
  • Tổng lượt truy cập20,105,358
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down