Trong những năm qua, công tác trực ban hình sự tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (TGTBTP&KNKT) trong Công an nhân dân (CAND) luôn được Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Lai Châu quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Điều này góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh trực ban hình sự tiếp công dân
Thực hiện các quy định, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Công an tỉnh về công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Lai Châu đã chủ động, kịp thời tham mưu với Ban Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT tổ chức triển khai, thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trình tự tiếp nhận, xử lý, giải quyết nguồn tin về TGTBTP&KNKT.
Đơn vị đã tổ chức trực ban hình sự và duy trì cán bộ trực ban hình sự 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, đồng thời thông báo, tuyên truyền, phổ biến, công khai địa điểm, số điện thoại và địa chỉ trang thông tin điện tử của Cơ quan ANĐT đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu để mọi người dân được biết và thuận lợi trong liên hệ công tác, trình báo, đề nghị cơ quan Công an giải quyết nguồn tin tội phạm và kiến nghị khởi tố một cách kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất.
Kết quả đáng ghi nhận
Từ năm 2020 đến năm 2024, Cơ quan ANĐT đã tiếp nhận 15 TGTBTP&KNKT; phân loại, chuyển cơ quan chức năng khác giải quyết 07 tin; Cơ quan ANĐT giải quyết 08 tin; đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 05 vụ, 04 bị can về các tội chiếm đoạt vật liệu nổ, vi phạm quy định nhập cảnh, xuất cảnh; tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, làm giả con dấu, tài liệu Cơ quan tổ chức; không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 03 TGTBTP&KNKT.
Các nguồn tin về tội phạm do Cơ quan ANĐT Công an tỉnh thụ lý, xử lý giải quyết luôn tuân thủ chấp hành thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy trình tố tụng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị nghiệp vụ liên quan trao đổi, nắm chắc tình hình có liên quan; kịp thời thỉnh thị xin ý kiến Cơ quan ANĐT Bộ Công an để được chỉ đạo hướng dẫn thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Công tác phối hợp giữa Cơ quan ANĐT với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan liên quan trong việc xác minh làm rõ căn cứ khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án để kết thúc giải quyết TGTBTP&KNKT đúng thời hạn, có căn cứ, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng quá thời hạn luật định. Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được tăng cường và ngày càng chặt chẽ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chưa thống nhất quan điểm xử lý đối với các vụ việc.
Những thách thức còn tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp nhận và giải quyết TGTBTP&KNKT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Một số nguồn tin khi hết thời hạn xác minh nhưng vẫn chưa xác định được đối tượng bị tố giác; một số trường hợp không gửi đầy đủ thông báo kết quả việc tiếp nhận cho Viện kiểm sát nhân dân; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân về quan điểm đánh giá tài liệu, chứng cứ trong một số vụ việc còn chậm; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn thiếu tính dự báo, phòng ngừa, nhất là đối với các loại tội phạm phi truyền thống, tội phạm ẩn, gây khó khăn trong công tác triển khai, áp dụng.
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát, hướng dẫn công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm tại Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh
Để làm tốt hơn nữa công tác tiếp nhận, giải quyết TGTBTP&KNKT nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh một cách thiết thực, hiệu quả; phổ biến kịp thời các văn bản luật mới ban hành; đổi mới, đa dạng các hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ công chức, viên chức và Nhân dân trong công tác tố giác tội phạm.
- Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên ngành, cơ quan, đơn vị nghiệp vụ, chức năng có liên quan trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
- Ba là, phải xem việc bố trí cán bộ là công tác then chốt, vì con người là tất cả của mọi vấn đề; công tác bố trí cán bộ phải có tính ổn định lâu dài, có chính sách đào tạo cán bộ được giao thực hiện công tác đấu trang phòng chống tội phạm và tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm, kiến nghị khởi tố theo hướng trở thành chuyên gia giỏi.
- Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao chất lượng kiểm sát từ khâu tiếp nhận đến xác minh, giải quyết và quyết định giải quyết của cơ quan điều tra; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra cùng cấp và các cơ quan liên ngành trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bảo đảm đúng thời hạn, đúng quy định; kịp thời phát hiện và ban hành các kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan liên quan.
- Năm là, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong tình hình mới.