Công an tỉnh Lai Châuhttps://congan.laichau.gov.vn/uploads/logoca.webp
Thứ năm - 22/05/2025 06:05
Lực lượng Công an tiếp nhận vũ khí do người dân tự giác giao nộp.
Lai Châu - tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Tổ quốc với đường biên giới giáp Trung Quốc dài 265,8 km và địa hình đa dạng, hiểm trở, đang ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Với đặc thù 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm tới 85,3% dân số, tỉnh Lai Châu đối mặt với những thách thức đặc biệt khi nhiều phong tục, tập quán như săn bắn, sử dụng vũ khí trong lễ hội truyền thống vẫn còn phổ biến trong đời sống văn hóa của người dân.
Trước thực trạng đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh Lai Châu đã chủ động làm tốt công tác tham mưu với Ban giám đốc Công an tỉnh để tham mưu UBND tỉnh trong công tác ban hành các văn bản chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động thu hồi VK, VLN, CCHT hỗ trợ trên địa bàn toàn tỉnh, tính từ 15/12/2024 đến nay toàn tỉnh đã tuyên truyền 144 lượt = 18.204 người tham gia; Đăng 1.022 tin bài, phóng sự; tổ chức ký cam kết với 10.172 hộ gia đình và 11.075 cá nhân.
Người dân tích cực hưởng ứng mô hình "đổi mì tôm lấy vũ khí" do lực lượng Công an triển khai
Nhờ những nỗ lực không ngừng, tính đến ngày 05/5/2025, toàn tỉnh Lai Châu đã vận động nhân dân tự nguyện giao nộp 165 khẩu súng các loại. Đặc biệt đáng mừng là từ cuối năm 2024 đến nay không xảy ra vụ việc nào liên quan đến việc người dân sử dụng súng tự chế để vào rừng săn bắn sau đó bắn nhầm vào người.
Đáng chú ý, Công an xã Pu Sam Cáp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, trưởng bản, tổ An ninh cơ sở 04 bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, với hình thức “đổi mì tôm lấy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Kết quả người dân đã tự nguyện đến giao nộp 05 khẩu súng tự chế các loại. Đây là một trong những minh chứng cho thấy việc CBCS chủ động, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí bằng những hình thức sáng tạo đạt hiệu quả cao.
Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tại Lai Châu vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Địa bàn rộng với 80% diện tích là đồi núi, nhiều nơi giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ; rào cản ngôn ngữ với tỷ lệ người dân không thông thạo tiếng phổ thông còn cao; cùng với tâm lý e ngại, lo sợ khi giao nộp vũ khí vì sợ bị xử lý hoặc mất đi công cụ săn bắn, tự vệ - tất cả đòi hỏi sự kiên trì và linh hoạt và sáng tạo của cán bộ chiến sỹ trực tiếp thực hiện công tác này.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục tham mưu BGĐ Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng; đồng thời tăng cường công tác xử lý vi phạm, đặc biệt là các trường hợp cố tình tàng trữ, sử dụng trái phép sau thời hạn vận động và các đường dây mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ qua biên giới.
Công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo tại tỉnh Lai Châu là một điển hình về cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp với đặc thù địa phương. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, Lai Châu đang từng bước xây dựng môi trường an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tác giả: ANLC - Phòng cảnh sát quản lý hành chính về TTXH