Công an tỉnh Lai Châuhttps://congan.laichau.gov.vn/uploads/logoca.webp
Chủ nhật - 05/05/2024 21:12
Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp với các Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp với các Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Nậm Nhùn, Công an huyện Sìn Hồ tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trước, trong và sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và mùng 01/5. Tại buổi tuyên truyền có sự tham gia của 340 người dân ở bản Pa Kéo, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, xã Tủa Sín Chải, xã Nậm Mạ huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cũng tại buổi lễ đã trao tặng 160 áo phao, 90 mũ bảo hiểm trị giá hơn 40 triệu đồng. Tại buổi tuyên truyền người dân được cán bộ Phòng cảnh sát giao thông tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật giao thông đường thuỷ nội địa 2004 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014 các nội dung như:
Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa; Các hành vi bị cấm trong hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004; Điều kiện hoạt động của phương tiện; Quy định về đăng ký phương tiện, đăng kiểm phương tiện; Điều kiện của người lái phương tiện... Nghị định số 139/2021/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa theo quy định; trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa bị xử phạt hành chính…
Hình ảnh tặng áo phao cho người dân.
Ngoài ra lực lượng CSGT - trật tự, Công an các huyện (Đội CSGT-TT) có đường thủy sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm về chở quá số người quy định, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo các yêu cầu về trang thiết bị cứu sinh…tham gia giao thông đường thủy; người lái phương tiện thủy không có Giấy phép, chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc có Giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nhưng không phù hợp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy, phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, đặc biệt là ý thức chấp hành các quy định về mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Hình ảnhngười dân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luậtvề giao thông đường thủy nội địa.
Đồng thời tại các buổi tuyên truyền cho 340 người dân đại diện các hộ gia đình ký cam kết thực hiện an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh và phát hơn 400 tờ rơi tham gia đường thủy bảo đảm an toàn. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của tổ chức, cơ quan quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông. Các hành vi bị cấm: 1. Phá hoại công trình giao thông đường thuỷ nội địa; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thuỷ nội địa.
2. Mở cảng, bến thuỷ nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hoá không đúng nơi quy định.
3. Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thuỷ nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa.
4. Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trên luồng. Điều kiện hoạt động của phương tiện. - Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 mã lực, phương tiện có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật này;
b) Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thuỷ nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, sơn vạch dấu mớn nước an toàn, số lượng người được phép chở trên phương tiện;
c) Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên. Điều kiện của người lái phương tiện. - Người lái phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực đến 15 mã lực hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người phải có các điều kiện sau đây:
a) Đủ 18 tuổi trở lên và không quá 55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam;
b) Có chứng nhận đủ sức khoẻ của cơ quan y tế và biết bơi;
c) Có chứng chỉ lái phương tiện.