Trong năm 2024, Công an tỉnh Lai Châu ghi nhận trên địa bàn có hơn 27.000 lượt công dân xuất cảnh ra nước ngoài, trong đó có 439 trường hợp xuất cảnh trái phép bị các nước bắt giữ và trao trả.
Mặc dù số công dân xuất cảnh hợp pháp chiếm đa số, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều người dân, đặc biệt là tại các khu vực biên giới, đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với chiêu bài "việc nhẹ, lương cao" ở nước ngoài.
Ảnh: Nạn nhân bị lừa sang Myanmar được giải cứu về địa phương
Các đối tượng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật, tình trạng thất nghiệp, sử dụng mạng xã hội hoặc tiếp cận trực tiếp để dụ dỗ, lôi kéo người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar. Nạn nhân thường được hứa hẹn công việc ổn định, lương cao, thậm chí được "ứng tiền trước" để tạo lòng tin.
Qua nghiên cứu, tổng hợp các đối tượng lừa đảo có một số thủ đoạn chủ yếu như sau:
- Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tình trạng thất nghiệp tại địa phương: Nhiều đối tượng xấu đăng tải tin, bài tuyển dụng lao động trên mạng xã hội hoặc trực tiếp tiếp cận, rủ rê, lôi kéo người lao động xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Myanmar để làm việc. Chúng đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn như công việc ổn định, mức lương cao, thậm chí còn "ứng trước tiền" để tạo lòng tin.
- Lôi kéo qua nạn nhân đã từng bị dụ dỗ: Một số nạn nhân sau khi bị lôi kéo ra nước ngoài làm việc cho các công ty lừa đảo trên mạng đã chủ động hợp tác với các đối tượng, lợi dụng mối quan hệ quen biết để tiếp tục dụ dỗ thêm người khác xuất cảnh trái phép.
- Sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ phụ nữ trẻ: Các đối tượng sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội để tuyển dụng phụ nữ trẻ làm việc tại các công ty dệt may hoặc nhân viên bán quần áo ở nước ngoài, với mức lương được quảng cáo từ 15.000.000đ đến 20.000.000đ/tháng. Sau khi chiếm được lòng tin, chúng tổ chức đưa nạn nhân sang Myanmar, Campuchia, Lào và ép làm việc tại các quán karaoke, trở thành gái mại dâm, hoặc môi giới, bán họ cho người Trung Quốc để làm vợ.
- Giao dịch qua tài khoản ảo và sim rác: Toàn bộ quá trình liên lạc, giao dịch của các đối tượng thường được thực hiện qua tài khoản ảo trên mạng xã hội hoặc sim rác. Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thu thập tài liệu và chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Ảnh: Số công dân Việt Nam được giải cứu, trao trả từ Campuchia
Để phòng, tránh bản thân, gia đình trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, Công an tỉnh Lai Châu khuyến cáo người dân:
1.Tuân thủ quy định pháp luật về xuất cảnh: Người dân cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hướng dẫn làm thủ tục và giấy tờ xuất cảnh hợp pháp. Việc xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Cảnh giác trước các thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao”: Trước khi tham gia bất kỳ hoạt động tuyển dụng nào, hãy kiểm tra kỹ thông tin về công ty tuyển dụng, địa điểm làm việc, và tính hợp pháp của hoạt động này. Tránh tin tưởng mù quáng vào những lời mời hấp dẫn nhưng không rõ nguồn gốc.
3. Lựa chọn đơn vị uy tín khi đi làm việc ở nước ngoài: Chỉ nên liên hệ với các cơ quan, tổ chức, hoặc doanh nghiệp có giấy phép hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi và an toàn cho bản thân.
4. Tích cực tố giác tội phạm: Người dân cần kịp thời phản ánh các hành vi xuất nhập cảnh trái phép hoặc các trường hợp dụ dỗ, lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép đến cơ quan chức năng. Sự hợp tác của người dân sẽ giúp ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật.