Trong công tác tự quản đường biên, mốc giới, mô hình "Dân vận khéo"của lực lượng Công an xã Hua Bum được áp dụng để khuyến khích người dân tham gia vào việc tuần tra, giám sát, bảo vệ các mốc giới quan trọng. Mô hình này cũng giúp xây dựng sự gắn kết giữa lực lượng chức năng và người dân, tạo nên sức mạnh cộng đồng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Hua Bum là xã biên giới của huyện Nậm Nhùn có 514 hộ với 2.358 khẩu, có 11 dân tộc anh em sinh sống, có 5 dân tộc chủ yếu là: Hà Nhì, Mảng, Mông, Dao, La Hủ; diện tích tự nhiên 26.062,34km2, Hua Bum được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 14.873 km, gồm 05 cột mốc, (cột mốc 49, 49/1. 50. 50/1, 50/2). Đường biên giới quốc gia không chỉ là những ranh giới địa lý, mà còn là biểu tượng của chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi quốc gia. Quản lý, bảo vệ và giữ gìn các mốc giới không chỉ liên quan đến an ninh quốc gia mà còn gắn liền với sự ổn định và phát triển bền vững của vùng biên giới, đặc biệt, các mốc giới 49, 49/1, 50, 50/1, và 50/2 có ý nghĩa chiến lược, nằm tại các vị trí trọng yếu trong vùng biên giới, đòi hỏi sự quan tâm và bảo vệ nghiêm ngặt.
Hoạt động của mô hình tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc 49, 49/1, 50, 50/1, và 50/2
Trong những năm qua lực lượng Công an xã đã tăng cường tổ chức nhiều hoạt động để huy động hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới và coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, việc bảo vệ đường biên, mốc giới không thể chỉ dựa vào lực lượng chức năng mà cần sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, những người sống gần biên giới. Họ hiểu rõ địa hình, văn hóa, phong tục tập quán khu vực, có khả năng phát hiện kịp thời những biến động, tình hình phức tạp. Chính vì thế, công tác dân vận khéo để vận động nhân dân trở thành lực lượng bảo vệ đường biên chính là một phương pháp vô cùng hiệu quả.
Các hoạt động của mô hình
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, lực lượng Công an xã Hua Bum đã xây dựng mô hình tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tự quan đường biên, mốc giới 49, 49/1, 50, 50/1, 50/2. Với mục tiêu tăng cường nhận thức và phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương đã cùng phối hợp triển khai mô hình “Dân vận khéo”. Thông qua các hoạt động tuyên truyền linh hoạt như tổ chức các buổi họp tuyên truyền tại thôn, bản; phối hợp tổ chức các hoạt động tuần tra biên giới, vận động người dân tham gia dọn dẹp,làm sạch khu cột mốc,đường tuần tra biên giới. Mô hình này không chỉ khuyến khích sự tự giác của người dân trong việc tuần tra, giám sát mà còn gắn kết họ với lực lượng chức năng, giúp phát hiện kịp thời các vi phạm.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 thông qua hoạt động của mô hình “Dân vận khéo”, lực lượng Công an xã Hua Bum đã tổ chức 06 buổi tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với 677 lượt người tham gia; tổ chức 05 lượt tuần tra tại khu vực đường biên với sự tham gia của lực lượng biên phòng, các tổ tự quản, đoàn thanh niên, hội phụ nữ; 03 buổi dọn dẹp, phát quang cây cỏ khu vực đường tuần tra biên giơi và khu vực cột mốc tại xã Hua Bum. Việc triển khai mô hình "Dân vận khéo" đã góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ biên giới. Nhiều người dân, sau khi tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới, đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động cộng đồng cùng tham gia, tạo nên một mạng lưới bảo vệ biên giới rộng lớn và vững chắc.
Mô hình “Dân vận khéo” tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tự quan đường biên, mốc giới 49, 49/1, 50, 50/1, 50/2 thực sự đã trở thành cầu nối quan trọng giữa nhân dân và lực lượng biên phòng, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo sự bình yên cho vùng biên giới.