Theo thống kê đến hết năm 2023 cả nước có trên 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử, hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập và gần 1.800 trang thông tin điện tử được cấp phép còn hiệu lực tham gia. Tuy nhiên thói quen tích cực sử dụng mạng xã hội của gần 80 triệu người Việt với 79% dân số đang thay đổi cách mọi người tiếp cận thông tin
Trước đây khi Internet chưa phát triển các thông tin được đăng tải trên báo giấy với các loại hình tạp chí, tập san truyền thống được xuất bản định kỳ và được người đọc đặt mua, phát đến địa chỉ cố định. Loại hình này có ưu điểm được biên tập kỹ lưỡng trước khi phát hành, nội dung được chọn lọc sắp xếp phù hợp với tôn chỉ, mục dích của đơn vị chủ bút và hướng đến một số người đọc nhất định. Sau này khi Internet phát triển hơn, các báo điện tử, trang thông tin điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp lại là nơi mọi người tìm kiếm thông tin vì ưu điểm nhanh, tiện dụng tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Đến nay khi mạng xã hội được phát triển, mọi người có nhu cầu tiếp cận thông tin gắn với các hoạt động thường ngày, gắn với thói quen, sở thích, công việc mà các mạng xã hội với trí tuệ nhân tạo dễ dàng đáp ứng cá biệt cho từng người từ đó xu hướng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội ngày càng lớn. Các thông tin trên mạng xã hội gần như được phản ánh ngay sau khi sự việc, hiện tượng xảy ra rất ít độ trễ; tuy nhiên các thông tin trên mạng xã hội đa phần là thông tin chưa được kiểm chứng, nhiều khi là các thông tin giả, tin sai sự thật đến khi người đọc đăng tải lại, chia sẻ, bình luận có thể vi phạm pháp luật như nhiều trường hợp bị xử lý trong thời gian giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, đến khi bị xử lý người ta mới phần nào nhận biết được tác hại của tin giả, tin sai sự thật đang tràn lan trên mạng xã hội.
Chưa kể đến các nhóm, trang fanpage thường xuyên đăng tải các nội dung phản động, kích động, nói xấu, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân xuất hiện ngày càng nhiều mà người sử dụng hoàn toàn có thể tiếp cận trên mạng xã hội đã đặt ra vấn đề quản lý cho các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.
Mạng xã hội có tính ẩn danh cao, người sử dụng có thể sử dụng các tài khoản ảo, mượn tài khoản thậm chí chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản của người khác để sử dụng mạng xã hội từ đó xảy ra nhiều hệ lụy khó lường. Hiện nay đa số các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội đều đặt máy chủ ngoài Việt Nam do đó để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý việc sàng lọc thông tin, quản lý bằng các công cụ kỹ thuật là chưa khả thi. Do đó mỗi người sử dụng mạng xã hội hãy tự nâng cao kiến thức sử dụng mạng xã hội của mình hãy tự tham khảo các nguồn thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là báo chính thống, hãy coi mạng xã hội chỉ là một nguồn để tham khảo và hãy đối chiếu, kiểm tra thông tin trước khi đăng tải để tự bảo vệ mình./.