Mốt mặc đồ lính là một thứ mốt có thật, luôn hiện hữu và được một số người yêu chuộng. Nó đề cao sự nam tính, cho thấy cả vẻ lịch lãm lẫn trong nét lãng mạn, phong trần. Tuy nhiên thời gian qua một số ca sĩ tổ chức các show diễn với các trang phục được thiết kế giống với trang phục lính của chế độ cũ cùng các phụ kiện gây nhiều tranh cãi khiến chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này.
Trước đây các trang phục lính, đặc biệt là trang phục lính ngụy (VNCH) thường xuyên được tái hiện tại hải ngoại phục vụ số cá nhân lưu vong tại nước ngoài với các ca sĩ nổi tiếng như Đan Nguyên, Nguyên Khang với các tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng rền rĩ, khơi gợi quá khứ đau thương. Và tất nhiên các cá nhân này đều không được cấp phép để biểu diễn trong nước, chỉ xuất hiện trong các chương trình tại hải ngoại.
Tuy nhiên trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây một số ca sĩ Việt, ăn cơm Việt, sống trong sự thống nhất, hoà bình của biết bao liệt sĩ anh hùng lại nhai lại những bài hát uỷ mị của Nguỵ trước đây, khoác trên mình màu áo lính Nguỵ, dàn dựng sân khấu bối cảnh hoành tráng ngay tại Việt Nam. Đặc biệt có ca sĩ nổi tiếng mặc trang phục gây tranh cãi rất nhiều trong show diễn của mình. Tranh cãi từ cách lựa chọn trang phục được thiết kế giống với mẫu hình quân phục sĩ quan quân đội Pháp sau Thế chiến II cho một liveshow diễn ra chỉ trước đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vài ngày, bộ trang phục giống từ màu sắc, thiết kế, lẫn phụ kiện đi kèm gây rất nhiều tranh cãi.
Đã có không ít sự việc nhạy cảm liên quan đến những bộ quân phục, những bộ đồ lính nhái theo quân phục của quân đội các nước khác cũng như của chế độ cũ. Từ đó, trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến lên án ý thức của những người mang trang phục lính tại nơi công cộng và việc mặc đồ lính đang tạo ra những tranh luận dai dẳng. Tuy nhiên mặc đồ lính là một sở thích mà nhiều người trong chúng ta có thể có, song mặc bộ đồ nào, mặc ở đâu, mặc trước mặt ai, mặc ở thời điểm nào lại là câu chuyện cần cân nhắc kỹ.
Đối với người bình thường nên cân nhắc việc mặc đồ lính trong sinh hoạt, đời sống và sản xuất. Và đối với nghệ sĩ càng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn, nhất là khi mặc đồ lính lên biểu diễn trên các sân khấu, trước các ống kính, máy quay và người hâm mộ, một bộ trang phục có thể trở lên phổ biến đồng thời ẩn chứa nhiều thông điệp ngầm mà ngay cả người mặc nó chưa chắc đã hiểu.
Đối với các cơ quan quản lý trước khi cấp phép, quản lý hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ cần có cái nhìn thận trọng hơn trong việc sử dụng trang phục tránh gây tranh cãi, dư luận tiêu cực. Đồng thời mọi người nên văn minh hơn trong sử dụng các loại trang phục cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, không nên cổ súy các trào lưu mặc đồ lính nơi công cộng gây phản cảm./.