Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn, thách thức đặt ra đối với các quốc gia trên thế giới, nhất là những nguy cơ, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH.
Với chủ trương đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương trên tất cả các lĩnh vực, Việt Nam cũng đang hội nhập hết sức mạnh mẽ, qua đó đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, để phục vụ công cuộc hội nhập và phát triển đất nước ngày càng hiệu quả, đòi hỏi công tác bảo đảm ANTT phải được quan tâm đúng mức, đặc biệt là trong bối cảnh các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường… nhằm góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành đối tác tin cậy, điểm đến an toàn của các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
Thực tế cho thấy, những vụ việc, hiện tượng liên quan đến ANTT phần lớn đều xảy ra tại các địa bàn cơ sở, xuất phát từ cơ sở, do đó công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, là nhiệm vụ tất yếu của đất nước. Trước khi luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra đời, các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an xã bán chuyên trách; bảo vệ dân phố; đội trưởng, đội phó dân phòng) chưa được thống nhất về tổ chức, chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động, đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả của công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở trong tình hình hiện nay, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã ra đời.
Tuy nhiên, với âm mưu, ý đồ chống phá Việt Nam lâu dài, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu tiếp tục tiến hành các hoạt động xuyên tạc, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, trong đó chúng đặc biệt lợi dụng việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để bịa đặt, vu cáo. Điển hình, ngày 26/6/2024, trang facebook “Chân Trời Mới Media” (của tổ chức khủng bố “Việt Tân”) đăng tải bài viết có nội dung xuyên tạc Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chúng cho rằng: “Từ ngày 01/7/2024 Bộ Công an sẽ ngày càng phình to ra; Luật này ban hành là để trói buộc, gò ép người dân…”. Những luận điệu trên của các thế lực thù địch nhằm mục đích hạ uy tín của Đảng, Nhà nước, kích động mâu thuẫn trong Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua đó để dễ dàng thực hiện âm mưu, hoạt động chống phá Việt Nam.
Ảnh chụp bài viết trên trang facebook của “Chân Trời Mới Media”
Trái ngược với những luận điệu sai trái, thù địch của các đối tượng phản động, chống đối; các học giả, nhân sỹ, trí thức, chuyên gia pháp luật và nhiều người dân rất đồng tình, ủng hộ đối với Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, khẳng định việc ban hành Luật này là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi công tác bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, Luật đã được Bộ Công an nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, bảo đảm không làm tăng biên chế của Bộ Công an, không tăng chi ngân sách nhà nước, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu thực hiện sắp xếp, kiện toàn các lực lượng, chức danh tham gia đảm bảo ANTT tại cơ sở theo hướng tinh gọn, thống nhất đầu mối và hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm quyền con người, phát huy mạnh mẽ vai trò của quần chúng Nhân dân đối với công tác bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH nói chung và công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại các địa bàn cơ sở nói riêng.
Chúng ta có thể khẳng định rằng: “Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở”./.