Thương mại điện tử hay còn gọi là ngành Thương Mại Điện Tử, là việc tiến hành các hoạt động thương mại bằng các nền tảng điện tử, chủ yếu là internet, bao gồm mua bán online, quảng cáo kỹ thuật số và các dịch vụ hỗ trợ khác nhau được thực hiện thông qua các kênh online. Hoạt động thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp nhưng các vấn đề về thất thu thuế, chất lượng sản phẩm chưa được quản lý chặt chẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến lợi ích của toàn xã hội.
Các nhà kinh tế học đã đưa ra giả thuyết rằng thương mại điện tử sẽ dẫn đến việc cạnh tranh giá cả sản phẩm. Thực vậy, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thu thập nhanh chóng và dễ dàng thông tin đa dạng về sản phẩm, giá cả và người bán. Ngày nay đã xuất hiện nhiều website, ứng dụng trực tuyến chuyên cung cấp dịch vụ và đánh giá về sản phẩm. nhà cung cấp, so sánh giá cả giữa các sản phẩm. Hơn nữa, người tiêu dùng có thể trực tiếp đưa ra các đánh giá của mình về nhiều khía cạnh liên quan tới giao dịch mua sắm, giúp cho những người khác có nhiều cơ hội chọn lựa sản phẩm phù hợp nhất, hoặc chọn được người bán cung cấp dịch vụ tốt nhất, hoặc mua được sản phẩm với giá rẻ nhất. Ngoài việc giao dịch qua thương mại điện tử hiện nay giao dịch thông qua mạng xã hội cũng đang bùng nổ các hoạt động bán hàng tương tự thương mại điện tử.
Nhờ có thương mại điện tử và mạng xã hội, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua mọi sản phẩm hàng hóa từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thiết bị đồ dùng gia đình đến đồ công nghệ, điện tử, sách, hoa, quà tặng, thực phẩm... Tuy nhiên, trường hợp mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng gặp rất nhiều. Chưa kể đến các sản phẩm đã được đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ cũng bị làm giả, làm nhái rất nhiều gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Chưa kể đến hoạt động thương mại điện tử với các loại mặt hàng với nguồn gốc đến từ nước ngoài được trợ giá rất mạnh, giá cực kỳ cạnh tranh gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước mà nếu không có biện pháp bảo hộ hàng hóa trong nước thì rất có thể sau này hàng hóa hoàn toàn do nước ngoài chi phối, không phụ thuộc vào yếu tố cung - cầu và tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, phá sản hoạt động sản xuất trong nước.
Khi các nền tảng thương mại điện tử phát triển với số lượng người dùng lớn, các phiên Livestream của các gian hàng được quan tâm với số lượng đơn hàng lên đến hàng trăm, hàng nghìn đơn mỗi ngày không được kiểm soát chặt chẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng sản phẩm cũng như thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Gần đây nhiều địa phương trong cả nước điển hình như thành phố Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử từ thực hiện Đề án 06 đã bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, được xã hội đánh giá cao.
Có thể thấy rằng hoạt động thương mại điện tử thông qua các nền tảng, mạng xã hội phát triển là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay, tuy nhiên cần có sự vào cuộc từ các cơ quan quản lý nhà nước, các sản thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội, doanh nghiệp và người kinh doanh cũng như người dùng thông qua định hướng, xây dựng các giải pháp hiệu quả thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, đồng thời quản lý đầy đủ về cả chất lượng, nguồn gốc, chống bán phá giá cũng như quản lý chặt chẽ các nguồn thu, mở rộng đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.