Vladimir Ilyich Lenin (1870 – 1924) là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. Ông là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản, đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười Nga, thành lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (07/11/1917). Ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới.
Mặc dù vậy, bọn phản động và các thế lực thù địch luôn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đối tượng quá khích để bôi nhọ, hướng lái dư luận đến những thông tin sai sự thật về Lenin. Điển hình, ngày 22/7/2024, trang facebook “Việt Tân” đã đăng tải bài viết “ÔNG LENIN CÓ TỘI GÌ MÀ NHIỀU NƯỚC ĐÃ KÉO TƯỢNG ÔNG TA XUỐNG?” với những nhận định tiêu cực, phiến diện, bóp méo sự thật về Lenin và Cách mạng vô sản thế giới. Chúng nhận định chủ quan rằng “các nước Đông Âu thuộc khối CS cũ kéo tượng ông ta xuống là vì nó vô giá trị và vô nghĩa”, “ông là người chủ trương dùng bạo lực cách mạng, xây dựng một nhà nước chuyên chính (Độc tài) do giai cấp vô sản cầm quyền”, “phong trào Cộng sản theo trường phái Lenin thành công cướp được chính quyền thì thành phần này luôn trở thành bạo quyền, độc tài và tham lam vơ vét”. Những lời xằng bậy, nhạo báng của chúng chính là biểu hiện của sự chống đối, cố tình hiểu lệch, phát biểu sai về sự thật lịch sử và giá trị của học thuyết Lenin.
Hành động kéo đổ tượng đài Lenin ở một số quốc gia như Ukraine, Hungary hay ở chính trên lãnh thổ nước Nga vào những thời điểm bùng nổ các cuộc khủng hoảng chính trị. Những đối tượng quá khích, biểu tình đã bị xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, thậm chí là bị “dắt mũi” để thực hiện những hành động phạm pháp, trái đạo đức. Nhưng chúng đâu chỉ phá dỡ tượng đài Lenin! Đi đến đâu chúng đập phá đến đó, từ các công trình xã hội tới các di tích lịch sử. Mục đích của chúng là chống chính quyền, phá hoại, gây rối, tạo tiếng vang chứ không phải vì “nó vô giá trị và vô nghĩa”.
Lenin không “chủ trương dùng bạo lực cách mạng”. Trong bài “Một trong những vấn đề căn bản của cách mạng” đăng trên Báo Con đường công nhân, Lenin đã khẳng định: “Chính quyền về tay các Xô-viết: đó là con đường duy nhất để đảm bảo cho tình hình phát triển một cách tuần tự, hòa bình, yên ổn”. Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại gắn chặt với tên tuổi của Lenin. Dưới sự lãnh đạo của Người, phong trào toàn dân vì hòa bình, cuộc đấu tranh của nông dân vì ruộng đất, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những dân tộc bị áp bức ở Nga vào cùng một dòng thác cách mạng đã biết hướng toàn bộ những lực lượng ấy vào việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản – động cơ của bất bình đẳng, tham nhũng và bất ổn kinh tế.
Từ “Chính sách cộng sản thời chiến” đến NEP, Lenin đã trở thành nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử xây dựng Chủ nghĩa xã hội và để lại nhiều chỉ dẫn kinh điển, quý báu cho công cuộc cải cách, đổi mới hiện nay. Đó là phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng cơ chế và quy luật thị trường, tạo ra những đòn bẩy kinh tế để giải phóng lực lượng sản xuất, kích thích sản xuất và tính tích cực của người lao động thông qua lợi ích chứ không phải “bạo quyền, độc tài và tham lam vơ vét”. Hiệu quả thực tế là, ở Liên Xô từ năm 1922, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, tình hình chính trị - xã hội ổn định, khối liên minh công nông được củng cố, mối liên hệ thành thị nông thôn được khôi phục phát triển…
Bất chấp mọi luận điệu xuyên tạc, vu khống, thậm chí là những hành vi thô bạo nhằm làm ảnh hưởng tiêu cực đến vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, những bức tượng của vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vẫn được dựng lên ở nhiều nơi để nhân loại chiêm ngưỡng, tưởng nhớ.
Trung thành với chủ nghĩa Marx – Lenin, trung thành với di huấn của Lenin và Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, nhất định sự nghiệp đổi mới của chúng ta sẽ đi thẳng tới thắng lợi, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.