Lai Châu được là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại đặc biệt khó khăn và được xác định là một trong những địa bàn phức tạp về ma túy trong khu vực tây bắc; vừa là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn trung chuyển ma túy. Tỷ lệ người phạm tội về ma túy tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Số đối tượng bị bắt giữ và lượng ma túy thu giữ được có xu hướng tăng cao hơn so với giai đoạn trước. Công tác điều tra, truy bắt các đối tượng nhất là các đối tượng truy nã còn gặp nhiều khó khăn. Quy luật, phương thức hoạt động, tuyến vận chuyển của các đối tượng liên tục thay đổi nhằm đối phó với lực lượng chức năng, gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, bắt giữ. Số người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn còn cao, do vậy việc mua, bán lẻ ma túy giữa các đối tượng nghiện còn diễn ra cụ thể: Trong năm 2022 lực lượng chức năng trên toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận tổng số 546 vụ, 665 đối tượng. Tang vật thu giữ 84,72kg Heroin; 6,48kg thuốc phiện; 4,89kg ma túy tổng hợp; 511 cây thuốc phiện và một số đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Để đạt được kết quả trên có sự phối hợp quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng, các ban ngành; trong đó lực lượng KTHS đóng một vai trò rất lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Vai trò của hoạt động giám định tư pháp đối với hoạt động điều tra tội phạm về ma túy
Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp. Thông qua việc đánh giá, kết luận về phương diện chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án, hoạt động giám định tư pháp có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động tố tụng, cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học, góp phần giải quyết vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, cụ thể: Trong năm 2022 Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Lai Châu đã trực tiếp thực hiện giám định 640 vụ ma túy, với số lượng mẫu là 2320 mẫu, các vụ giám định chất ma túy được các giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện trên thiết bị sắc ký khí GC-FID, sắc ký khí khối phổ GC/MS; 100% các kết luận giám định đều là Kết luận khẳng định phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, túy tố, xét xử trên địa bàn tỉnh.
|
Giám định viên thực hiện giám định các chất ma túy trên thiết bị sắc ký khí khối phổ GC/MS |
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì Kết luận giám định là nguồn chứng cứ trong việc giải quyết vụ án. Trên cơ sở kết luận giám định, cơ quan điều tra nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá chứng cứ làm rõ những vấn đề phải chứng minh theo quy định của pháp luật. Mặt khác, những thông tin từ kết luận giám định như: loại ma túy, khối lượng bao nhiêu? giúp cơ quan điều tra vạch ra kế hoạch điều tra tiếp theo phù hợp, đúng hướng.
Hoạt động trưng cầu giám định là việc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ra quyết định để yêu cầu người có kiến thức về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (được thể hiện thông qua Quyết định trưng cầu giám định). Trên thực tế, tùy thuộc yêu cầu điều tra vụ án mà cơ quan điều tra có thể quyết định trưng cầu giám định (lần đầu); quyết định trưng cầu giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, đầy đủ hoặc phát sinh những vấn đề mới liên quan đến những tình tiết của vụ án đã được kết luận trước đó; quyết định trưng cầu giám định lại và quyết định trưng cầu giám định lại lần 2 được tiến hành khi có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp cơ quan điều tra trưng cầu tổ chức giám định Phòng KTHS thực hiện giám định.
- Về những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được quy định tại Điều 206 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Thời hạn giám định được quy định Điều 208 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Kết luận giám định trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 213 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu giám định. Kết luận giám định là văn bản có giá trị pháp lý. Nội dung kết luận giám định được quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật giám định tư pháp, theo đó, cá nhân, tổ chức được trưng cầu đưa ra kết luận về đối tượng giám định.
Trong công tác điều tra tội phạm nói chung, công tác điều tra tội phạm về ma túy nói riêng, kết luận giám định không những có ý nghĩa to lớn đối với nghiệp vụ công tác điều tra tội phạm mà còn có giá trị góp phần chứng minh tội phạm, người phạm tội, như:
- Thứ nhất: Kết luận giám định giúp cho cơ quan điều tra có cơ sở xác định được thủ phạm gây án, công cụ phương tiện phạm tội cũng như phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm... là cơ sở để áp dụng các biện pháp điều tra sát hợp, có hiệu quả và qua đó kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma túy một cách có hiệu quả, nhất là các loại chất ma túy mới và biến tướng trà trộn vào trong trường học.
- Thứ hai: Thông qua kết luận giám định, cơ quan điều tra xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; xác định về khả năng nhận thức và khai báo của người làm chứng, người bị hại, qua đó, xác định bị can, bị cáo có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không; xem xét, đánh giá tính khách quan, tính hợp pháp lời khai của người làm chứng, người bị hại.
- Thứ ba: Thông qua Kết luận giám định giúp cơ quan điều tra xác định được mẫu vật gửi giám định là loại gì? Có phải ma túy không? Khối lượng bao nhiêu từ đó làm căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xác hành vi đó phạm tội gì và khung hình phạt được quy định cụ thể thế nào trong Bộ luật.