Hiện nay tình hình hoạt động tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu ở trên không gian mạng. Tại Việt Nam hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn biến khó lường, trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và trật tự an toàn xã hội.
Tại địa bàn tỉnh Lai Châu với đặc thù là tỉnh miền núi, có 265,095 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, có trên 86,51% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn và chịu nhiều ảnh hưởng của các tập tục lạc hậu, trình độ nhận thức đã có chuyển biến nhưng còn chậm, số người nghiện ma túy ngoài xã hội vẫn còn nhiều, số đối tượng về tội phạm mua bán người thường hoạt động lưu động và diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn khác nhau như hứa hẹn việc nhẹ lương cao, môi giới hôn nhân với những người nước ngoài giàu có, cho nhận con nuôi…Chúng thường lên mạng Internet như Zalo, Facebook, Wechat… để làm quen, rồi dụ dỗ các bé gái và chị em người dân tộc ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu việc làm nhưng không cần về bằng cấp, trình độ chuyên môn, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn "Mua bán người". Thậm chí, ngay cả người thân trong gia đình khi không có tiền chúng cũng lừa đem bán ra nước ngoài… Thời gian gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán người là nam giới, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Công an các huyện, thành phố, Công an các xã trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và mua bán người với khoảng 2.645 lượt người tham gia.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người ngày càng gia tăng là do số tiền thu lại từ hoạt động mua bán người là rất lớn; Do khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; nhiều bộ phận người dân trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức về pháp luật. Người dân còn mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin dễ bị các loại đối tượng tội phạm lợi dụng, dụ dỗ để thực hiện hành vi phạm tội.
Từ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người gây ra Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lai Châu đưa ra một số khuyến cáo sau:
Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc làm hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp xin việc ở trong nước, nước ngoài với mức lương cao hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và các đặc điểm, nhân thân, lai lịch của những người môi giới đi làm việc ở xa.
Trước khi đi làm xa hãy tham khảo ý kiến của người thân và thông báo, nhắn gửi cho gia đình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai trước khi quyết định theo họ đi làm.
Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, để có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình không phải là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, người thân,... để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết.
Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội./.