Trong thời gian qua, thực hiện quyết định 2345/QĐ-NHNN, ngày 18/12/2023 của Ngân hàng nhà nước về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai xác thực bằng sinh trắc học cho một số giao dịch trực tuyến. Việc thực hiện sinh trắc học là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường bảo mật, bảo vệ cho khách hàng, giúp hạn chế tình trạng lừa đảo.
Xuất phát từ nhận định của Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an: trong bối cảnh hiện nay rủi ro an ninh mạng là rất lớn, nếu không được quản lý việc mở tài khoản, sử dụng tài khoản để giao dịch là chính chủ, bất kỳ tội phạm nào cũng có thể lợi dụng.
Việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng giờ đây đã trở thành một “nghề kiếm tiền” của nhiều đối tượng. Các đối tượng lừa đảo ngày càng chuyên nghiệp, quy mô tổ chức lên tới hàng trăm người, ngồi văn phòng, phân vai nhiệm vụ rõ ràng…Các kịch bản được các đối tượng lừa đảo “sáng tạo” rất nhanh. Cụ thể, ngành ngân hàng mới thực hiện từ 1/7 thì ngay lập tức trên không gian mạng đã xuất hiện các đối tượng lợi dụng tình huống khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật thông tin sinh trắc học…do đó một số đối tượng đã giả danh là cán bộ Ngân hàng hướng dẫn người dân xác thực sinh trắc học nhằm thu thập, chiếm đoạt thông tin cá nhân hoặc gửi đường link giả mạo để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng giả danh ngày càng chuyên nghiệp, thành thạo. Trước đây, các đối tượng lừa đảo giả danh công an, cán bộ ngân hàng…dễ bị phát hiện bởi sử dụng nhiều khái niệm, câu lệnh còn sai, thì hiện nay, tất cả câu lệnh, thuật ngữ chuyên ngành đã được các đối tượng lừa đảo xử lý rất nhanh. Sau khi tiền lừa đảo về tài khoản người nhận (đều là tài khoản không chính chủ mua từ người khác), chỉ cần vài giây là dòng tiền tỏa đi các hướng.
Chính vì vậy, việc ngành ngân hàng thực hiện yêu cầu sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng hết sức quan trọng. Từ thực tiễn công tác, cơ quan Công an đã nhận diện các cách thức phổ biến mà các đối tượng đã lợi dụng đó là:
- Gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để thu thập thông tin sinh trắc học.
- Lập nick giả như “nhân viên ngân hàng”, “hỗ trợ người dân” và tương tác dưới các bài đăng của ngân hàng để dụ dỗ người dân inbox riêng.
- Yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, khuôn mặt, thậm chí gọi video để thu thập giọng nói, cử chỉ.
- Yêu cầu truy cập đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng “hỗ trợ” thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin, chúng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Các Ngân hàng khẳng định KHÔNG yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như: gọi điện, nhắn tin SMS, email, mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook, Messenger…).
Từ tình hình trên, nhằm hạn chế mức thấp nhất rủi ro, tránh thiệt hại về kinh tế, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Lai Châu khuyến cáo:
Người dân tuyệt đối:
- Không bấm vào link lạ
- Không chia sẻ, cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, giao dịch ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác cho các đối tượng hoặc lên mạng xã hội để tránh bị lợi dụng.
Hãy luôn cảnh giác và bảo vệ thông tin của cá nhân mình!