Chúng ta đang trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của các công nghệ mới đã đem lại nhiều giá trị to lớn với con người nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với mặt trái của sự phát triển các công nghệ mới này đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Mục đích của sự phát triển khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng là tối ưu năng suất lao động, giảm sức lao động của con người vào các lĩnh vực của khoa học, đời sống và xã hội. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đời sống là xu thế tất yếu của thế giới, tuy nhiên ngành công nghệ AI tại Việt Nam còn rất sơ khai; trình độ, kỹ năng ứng dụng AI vào các lĩnh vực công tác của đại đa số người dân còn hạn chế trong khi sự phát triển của AI tại những nơi khác đã rất mạnh trong đó việc nhận diện, đấu tranh, ứng phó với các thủ đoạn lừa đảo, phòng ngừa tin giả, phòng chống các sản phẩm xấu độc từ AI do các thế lực thù địch thực hiện, đang đặt ra những yêu cầu mới với rất nhiều thách thức.
Trước đây chúng ta đã từng bất bình trước hoạt động lừa đảo sử dụng công nghệ cao với công nghệ deepface (sử dụng trí tuệ nhân tạo chèn khuôn mặt vào các video, cuộc gọi và hình ảnh) rồi đến hoạt động giả danh các cơ quan tư pháp để lừa đảo… sau khi người dân được tuyên truyền đã chủ động phòng ngừa hiệu quả với các thủ đoạn này, nhìn chung với công nghệ cũ rất dễ nhận biết nếu người dân nâng cao cảnh giác và phòng ngừa.
Tuy nhiên đến nay trí tuệ nhân tạo đã phát triển vượt bậc với những tấm ảnh, đoạn phim, những câu truyện, những tin tức không khác gì thật mặc dù đây chỉ là sản phẩm của công nghệ làm ra với các yêu cầu và dữ kiện đầu vào do con người cung cấp. Những bức ảnh không khác gì ảnh chụp, video chân thực, tin tức chi tiết có minh họa… mà đối với một người dùng thông thường không thể tin các sản phẩm này là do công nghệ làm ra nếu không có công cụ chuyên dụng để phân tích, so sánh và truy nguồn.
Với nhiều người việc tạo ra các nội dung như tin túc, hình ảnh, video thông qua AI chỉ mang tính chất cho vui, thu hút tương tác, để quảng cáo, để nổi tiếng. Đấy là còn chưa kể đến tình trạng tin giả, ảnh giả, thông tin xấu độc do các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đối tượng xấu cố ý tung lên vì nhiều mục đích khác nhau được tán phát trên mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ. Sử dụng công nghệ không hề xấu nhưng mục đích sử dụng công nghệ phải thực sự trong sáng. Các nhà khoa học và chuyên gia đã khuyến cáo AI không có “trí tuệ cảm xúc” như con người mà đơn thuần là phương tiện giải quyết vấn đề không phân biệt đúng sai, tốt xấu do đó vấn đề góc độ tiếp cận và ảnh hưởng do chính chúng ta tự chọn lọc.
Chính vì vậy trong thời đại số như hiện nay trước khi hành động, bày tỏ cảm xúc về một vấn đề chúng ta có thể bắt gặp trên Internet, mạng xã hội cần nhiều hơn sự cân nhắc trước khi có một hành động cụ thể vì rất có thể cảm xúc của bạn đang được dẫn dắt bởi AI, những gì bạn nghe thấy, nhìn thấy rất có thể là sản phẩm của AI do ai đó vô tình hoặc cố ý tạo ra được tán phán chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội. Việc chọn lọc các trang, kênh thông tin để đọc cũng giữ vai trò quan trọng không kém, chúng ta chỉ nên theo dõi các trang thông tin, các kênh truyền thông từ các cơ quan ngôn luận của các cơ quan Đảng, Nhà nước để có thông tin chính thống, chính xác và tránh khỏi việc bị tiếp cận khỏi các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật.
Ngoài việc hành động cẩn thận hơn, chúng ta cũng nên có ý thức bảo vệ các dữ liệu cá nhân (tên, năm sinh, sở thích, số điện thoại, số căn cước, thẻ ngân hàng…) không cung cấp cho các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và tránh các rắc rối không cần thiết./.