Sự phát triển của mạng xã hội đi đôi với việc đẩy nhanh tốc độ thông tin, trong số đó các hội, nhóm ngày càng tăng về số lượng, đa dạng về các nội dung. Tuy nhiên, rất nhiều các hội nhóm bàn về dân chủ, trao đổi thông tin, học tập kỹ năng lại là các hội, nhóm do các đối tượng phản động đội lốt để đánh lừa người dùng tham gia nhằm các mục đích khác nhau. Do đó người dùng cần cảnh giác trước khi tham gia.
Nhu cầu tìm hiểu, trao đổi thông tin là nhu cầu rất cơ bản của con người với sự bùng nổ của mạng xã hội các cá nhân có thể dễ dàng tham gia và tìm hiểu các thông tin theo nhu cầu cá nhân. Trên mạng xã hội hiện nay có vô số các hội nhóm khác nhau với tất cả các lĩnh vực, vấn đề liên quan đến đời sống, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… với đa dạng nội dung thông tin phục vụ cho người tham gia trao đổi, chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên trong rất nhiều các hội nhóm kể trên có những hội nhóm mang tính chất tiêu cực, tạo lập nhằm các mục đích xấu. Với vỏ bọc là các hội, nhóm trao đổi thông tin khách quan về tình hình chính trị, xã hội, hướng dẫn người dân các kỹ năng cơ bản nhưng các hội nhóm này chủ yếu tán phát các thông tin xấu độc, tin sai sự thật, đồn đoán các nội dung vô căn cứ từ đó gây rối loạn thông tin, làm người đọc mất dần niềm tin vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhen nhóm các tư tưởng chống đối. Hay nói cách khác đây là các hội nhóm phản động.
Dấu hiệu để nhận biết các hội, nhóm phản động này thường chủ yếu thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước sau đó đồn đoán, vu cáo, thông tin sai sự thật nhằm dẫn dắt người theo dõi hiểu không đúng bản chất. Ngoài ra các đối tượng đăng tải bài viết trong nhóm thường là quản trị viên, các đối tượng phản động ở nước ngoài với thông tin cá nhân, địa chỉ hoạt động ở nước ngoài với logo biểu trưng của các hội nhóm phản động như Việt Tân, Chính phủ quốc gia việt nam lâm thời…
Hoạt động của các hội nhóm này mạnh hơn mỗi khi đất nước kỷ niệm các sự kiện như ngày Lễ Chiến thắng, Quốc khánh, ngày diễn ra các sự kiện lịch sử… thì hàng loạt các nhóm này dẫn nguồn các thông tin bài viết từ các cơ quan thông tấn phản động, các thông tin xấu độc phủ nhận tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh cứu quốc, khơi gợi lại quá khứ đau thương, gây kích động thù hằn dân tộc… Các thông tin, các bài viết trong nhóm mang tính xấu độc, chủ yếu là các bài viết mang tính chất giật gân, câu khách chỉ tập trung phản ánh những vấn đề tiêu cực, vấn đề bức xúc trong xã hội theo hình thức cắt xén sự việc sau đó suy diễn hoặc gợi cho người đọc suy diễn theo hướng tiêu cực mà không cung cấp dữ kiện để người đọc đối chiếu. Xem xét một cách sâu hơn nữa người đăng tải thường ẩn danh hoặc không có địa chỉ, thông tin liên hệ rõ ràng, thông tin ảo không liên hệ được hoặc địa chỉ, số điện thoại ở nước ngoài; đồng thời xem nội dung được đăng tải chủ yếu phản ánh các tiêu cực, bức xúc trong xã hội, tình hình vi phạm pháp luật của cán bộ các cơ quan nhà nước…mà không phản ánh các vấn đề về văn hoá, xã hội, thời sự.
Nghiêm trọng hơn, với các luận điệu tiêu cực còn dẫn dắt, lôi kéo người tham gia các cuộc biểu tình, gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ như vụ việc biểu tình công ty Formosa như ở Bình Thuận trước đây. Đã có không ít người bị ảnh hưởng bởi tham gia các hội nhóm phản động, tin theo lời lôi kéo để thực hiện các hoạt động như biểu tình, tuyên truyền, bị mua chuộc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật bị bắt, xử lý hình sự; người bị ảnh hưởng ít hơn thì bị tác động về tư tưởng làm mất lòng tin vào chính quyền các cấp hoặc lan truyền các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật bị xử lý hành chính.
Thế mới thấy tác hại của các hội, nhóm phản động trên không gian mạng là vô cùng lớn, chính vì vậy mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội trước khi tham gia các hội nhóm nên biết chính xác bản chất của hội nhóm, không tin theo, nghe theo lời xúi giục của các đối tượng tham gia vào các hoạt động tập trung đông người, biểu tình, chia sẻ hoặc tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật để bảo đảm an toàn cho bản thân và xây dựng một xã hội lành mạnh hơn./.