Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với gần 80 triệu người dùng, chiếm 78% dân số. Mạng xã hội giờ không chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ trong việc truyền bá, lưu giữ các giá trị văn hóa, tinh thần, nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính từ mạng xã hội mà trào lưu “hóng biến” phát sinh với mức độ thịnh hành hơn bao giờ hết.
Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, các thông tin bên lề cuộc sống dưới dạng “tin vịt” - loại hình tin tức không mấy liên quan và gây tác động đến đời sống, hay nói cách khác là loại tin tức ít có giá trị được bàn tán tại các quán trà đá, chợ dân sinh hay môi trường công cộng khác. Đến khi công nghệ phát triển với Internet các loại hình tin tức mới được phát triển ở dạng báo điện tử, thông tin trên các diễn đàn, blogs… rồi khi mạng xã hội phát triển mức độ thông tin được lan truyền nhanh hơn rất nhiều lần, các thông tin được trao đổi đa dạng có ở tất cả các lĩnh vực, các khía cạnh cũng như hình thức thể hiện từ video, tin, phát trực tiếp, bài viết… Cũng từ dây nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh.
Chúng ta đã rất nhiều lần được cảnh báo về mặt trái, những vấn đề đáng báo động, trong đó tình trạng xuống cấp về đạo đức, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử trên mạng và thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra. Đã có thời gian những nội dung “bẩn”, nhảm nhí, độc hại, phản cảm thu hút sự chú ý của người dùng hơn những nội dung “sạch”, có thể kể đến một số nội dung như: Mê tín dị đoan, khoe các bộ phận nhạy cảm, xúc phạm người nghèo… rồi đến một loạt các giang hồ mạng với nội dung tục tĩu, vô văn hóa, cổ vũ lối sống bạo lực, suy đồi như: Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh, Khánh Sky. Chỉ đến khi những “thần tượng mạng” bị xử lý và sự phối hợp của các nền tảng mạng xã hội thì các nội dung này mới dần bị gỡ bỏ và ít dần đi.
Tuy nhiên, gần đây trào lưu đưa tin, hóng biến rồi bóc phốt trên mạng với phương thức quảng cáo nhằm thu hút dư luận, cũng như một cách để giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công lẫn nhau. Điển hình như những ngày vừa qua đã có hàng triệu người trong đó chủ yếu là các ban trẻ thức khuya lúc 01 giờ sáng để xem màn đối chất giữa streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) và rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) theo hình thức livestream với nội dung đối chất về mối quan hệ tình cảm giữa họ. Một vấn đê tưởng chừng như rất đơn giản, ai mà chẳng có vấn đề tình cảm và chỉ cần giải quyết giữa các cá nhân là xong?
Nhưng vấn đề không đơn giản như thế, đáng chú ý hơn là sự kiện này lại thu hút tới hàng triệu người xem cùng lúc, trong đó chú yếu là các bạn trẻ tuổi, có thời điểm lượt xem lên tới 04 triệu, tạo nên xu hướng thịnh hành và là từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên các nền tảng. Thật khó hiểu vấn đề tình cảm giữa hai cá nhân lại được quan tâm đến như vậy, qua tổng hợp lại nội dung của phiên livestream chẳng có nội dung gì đáng chú ý ngoài vấn đề tình cảm của hai con người, cũng không đại diện cho bất kỳ vấn đề hay sự kiện quan trọng nào.
Hiện tượng vừa qua không chỉ phản ánh sự xuống cấp của thị hiếu giải trí mà còn đặt ra câu hỏi lớn về định hướng của giới trẻ ngày nay. Đáng lẽ ra trong khoảng thời gian này mọi người phải đầu tư thời gian và công sức vào những công việc có ích như học tập, nghiên cứu, khởi nghiệp hoặc cống hiến. Hay ít ra phải ngủ để có sức khỏe để ngày mới bắt đầu những việc quan trọng và thiết thực hơn thì mọi người lại bỏ thời gian và sức khỏe để theo dõi hai nhân vật tranh cãi về tình yêu, đạo lý sống một cách nhảm nhí. Điều này cho thấy một bộ phận giới trẻ đang bị cuốn vào những trào lưu vô bổ, xa rời thực tế và thiếu đi những lý tưởng cao đẹp.
Đã không ít lần truyền thông và xã hội cảnh báo, lên án về các trào lưu độc hại, nội dung nhảm nhí. Tuy nhiên, nguyên nhân để các hiện tượng trên xuất hiện bởi cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là chính người sử dụng quá quan tâm đến các vấn đề nhảm nhí, đầu tư nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội hơn là làm các công việc có ích. Đồng thời nguyên nhân khách quan là các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán làm sao lôi kéo được nhiều người sử dụng nhất với thời gian sử dụng nhiều nhất không phân biệt nội dung tốt - xấu khiến các nội dung này vẫn tồn tại.
Vấn đề này đặt ra vai trò quản lý, định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước kết hợp với sự phối hợp của các nền tảng mạng xã hội. Cần mạnh tay răn đe đối với các cá nhân, tổ chức đăng tải, tạo ra các nội dung xấu độc cũng như mạnh tay xử lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ nền tảng.
Ngoài việc tạo ra xu hướng độc hại, thì việc livestram như trên còn phát sinh doanh thu từ người tham gia mà nếu không quản lý tốt còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định hiện hành. Cụ thể: Nghị định 147/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phép cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu. Nếu các cá nhân livestream trên nền tảng không có giấy phép hợp lệ, hoặc nếu họ phát sinh doanh thu từ hoạt động này mà không tuân thủ quy định, thì có thể xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội trong việc đảm bảo nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Việc công khai tranh cãi về đời tư, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ tình cảm, có thể bị xem là vi phạm quyền riêng tư và gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trên mạng.
Việc quản lý hoạt động livestream theo quy định mới, người thực hiện livestream cần xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân để đảm bảo trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động trực tuyến. Nếu các cá nhân tham gia không thực hiện quy định này, họ có thể vi phạm quy định về quản lý hoạt động livestream.
Như vậy, nếu nhìn nhận vấn đề từ góc độ quản lý nhà nước, sự kiện livestream nói trên có thể xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như giấy phép của nền tảng, nội dung phát sóng và việc tuân thủ các quy định xác thực tài khoản để xác định mức độ vi phạm và áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Còn từ góc độ người dùng chúng ta cần nâng cao văn hóa khi sử dụng mạng xã hội, hãy là người sử dụng mạng xã hội văn minh, không cổ súy, ủng hộ cho các trào lưu xấu, cũng như tích cực lên án, bài trừ các nội dung độc hại, nhảm nhí ra khỏi đời sống./.