Cụm từ “sáp nhập tỉnh” là cụm từ được tìm kiếm và quan tâm rất nhiều trong khoảng thời gian đầu năm 2025 đến nay. Chủ trương đối với việc nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua, tuy nhiên lợi ích của việc sáp nhập tỉnh chưa được nhiều người nghiên cứu và hiểu rõ.
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị hành chính cấp tỉnh cần đáp ứng ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện. Theo thống kê từ năm 2023, cả nước hiện có 10 tỉnh chưa đạt được đồng thời cả ba tiêu chuẩn này, 12 tỉnh không đạt đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích và dân số, 3 tỉnh thành không đạt tiêu chuẩn diện tích và đơn vị hành chính cấp huyện, 2 tỉnh không đạt tiêu chuẩn về dân số và đơn vị hành chính cấp huyện, 13 tỉnh thành không đạt tiêu chuẩn về diện tích, 9 tỉnh không đạt tiêu chuẩn về dân số. Tuy nhiên đối với việc xem xét sáp nhập tỉnh không chỉ dựa vào các yếu tố trên mà cần xem xét cả các yếu tố liên quan đến định hướng phát triển, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các vấn đề về văn hóa - xã hội có liên quan.
Trước đó để tạo điều kiện cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, chúng ta chủ trương định hướng bỏ chính quyền cấp xã. Thực tế cho thấy việc bỏ chính quyền cấp huyện để tổ chức chính quyền 2 cấp (tỉnh và xã) bỏ cấp trung gian (cấp huyện) là mô hình rất tiến bộ phù hợp với xu hướng phát triển cũng như điều kiện của nước ta hiện nay. Việc bỏ cấp huyện cũng tạo điều kiện cho việc sáp nhập các đơn vị hành chính một cách dễ dàng hơn và tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội được mạnh hơn.
Lấy một ví dụ điển hình như nếu xây dựng một công trình có quy mô rất lớn trong điều kiện không sáp nhập các đơn vị hành chính thì công trình đó sẽ bị ràng buộc trong phạm vi một xã, một huyện, một tỉnh mà không thể đảm bảo tốt nhất các yêu cầu nhằm phát huy hiệu quả tối đa cho công trình đó mà nếu sáp nhập thì có thể chọn các điều kiện tốt nhất, nguồn lực mạnh nhất, huy động nhiều lực lượng nhất của tất cả các địa phương liên quan để có thể thực hiện hiệu quả nhất, trong thời gian ngắn nhất.
Ngoài ra khi bỏ cấp huyện rồi, tỉnh muốn mạnh thì phải rộng, dân số phải đủ đông, từ đó phải thống nhất trong chỉ đạo, điều hành để đảm bảo nguồn lực, phân cấp phân quyền cụ thể, phù hợp nhằm tạo ra hiệu quả trong quản lý bộ máy. Muốn bước vào một kỷ nguyên phát triển mới cần bắt đầu từ tổ chức bộ máy, sắp xếp lại số lượng tỉnh, thành phố nhằm giảm tải khối lượng công việc từ quá nhiều đầu mối. Việc giảm đầu mối cũng là giảm biên chế góp phần giảm ngân sách chi thường xuyên phục vụ phát triển.
Tuy nhiên việc tinh gọn bước đầu cũng có thể tạo ra một số rào cản về tâm lý do lo ngại việc quản lý nhà nước có thực hiện được không? chính quyền cấp trên, cấp dưới xa nhau như thế liệu có quan liêu hay không? Chính vì vậy cần tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức thống nhất, thông suốt rằng việc bỏ cấp trung gian là cấp huyện sẽ bỏ được một nấc trong công tác, khi đó chủ trương sẽ được truyền đạt thẳng từ tỉnh xuống cấp xã giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn. Việc sáp nhập tỉnh sẽ tạo ra tỉnh đủ rộng, dân cư đủ nhiều sẽ bảo đảm cho định hướng phát triển lâu dài hạn chế sự xáo trộn trong tương lai.
Một ví dụ rất trực quan từ việc sáp nhập, tinh gọn để không chỉ có nguồn lực phát triển cho từng tỉnh, mà còn tạo nguồn lực cho phát triển đất nước là ngay từ đầu năm nay Bộ Chính trị đã quyết định, các em học sinh từ cấp mầm non đến phổ thông công lập từ năm học 2025 - 2026 sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Và nguồn kinh phí này ước tính được lấy từ nguồn mà tinh gọn đem lại.
Hiện nay, với sự quyết tâm rất lớn của Đảng, nhà nước, công tác sắp xếp, sáp nhập hệ thống chính trị rất bài bản, có quyết tâm, phương pháp cụ thể, thiết kế bộ máy từ trên xuống dưới và yêu cầu buộc phải thực hiện theo tiến độ sẽ đảm bảo việc thực hiện xong trước khi tiến hành đại hội 14 của Đảng để đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới./.