Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi và phổ biến. Dưới đây là một số thủ đoạn thường gặp và cách phòng ngừa.
1. Lừa đảo qua tin nhắn, email giả tạo
Thủ đoạn: Kẻ gian gửi tin nhắn/email giả danh ngân hàng, công ty tài chính, cơ quan nhà nước... để yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc truy cập vào đường link giả tạo. Nội dung thường cảnh báo tài khoản bị khóa, giao dịch bất thường hoặc có quà tặng hấp dẫn.
Cách phòng ngừa:
- Không nhấp vào đường link lạ trong email, tin nhắn.
- Kiểm tra kỹ địa chỉ email/người gửi trước khi cung cấp thông tin.
- Liên hệ trực tiếp ngân hàng hoặc cơ quan liên quan để xác minh thông tin.
2. Giả danh nhân viên ngân hàng, công an, tòa án để gọi điện lừa đảo
Thủ đoạn: Kẻ gian gọi điện giả danh cơ quan chức năng, thông báo nạn nhân liên quan đến vụ án, yêu cầu chuyển tiền để “điều tra”. Thậm chí chúng còn làm giả giấy tờ, con dấu để tăng độ tin cậy.
Cách phòng ngừa:
- Cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu chuyển tiền qua điện thoại.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản cho người lạ.
- Nếu bị đe dọa, hãy giữ bình tĩnh và báo ngay cho cơ quan Công an.
3. Lừa đảo qua các sàn đầu tư tài chính, tiền ảo, forex, đa cấp
Thủ đoạn: Quảng cáo lợi nhuận cao, cam kết không rủi ro để dụ dỗ đầu tư. Ban đầu các đối tượng cho rút một khoản tiền nhỏ để tạo lòng tin, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tiền khi người dùng đầu tư lớn hơn.
Cách phòng ngừa:
- Không đầu tư vào các nền tảng không có giấy phép hợp pháp.
- Cảnh giác với những lời mời “lợi nhuận khủng”, “không rủi ro”.
- Kiểm tra thông tin trên website chính thức của cơ quan quản lý tài chính.
4. Giả danh người thân, bạn bè để mượn tiền qua mạng xã hội
Thủ đoạn: Kẻ gian hack tài khoản facebook/zalo và nhắn tin cho người thân để vay tiền, nạp thẻ điện thoại. Chúng có thể sử dụng công nghệ deepfake để giả giọng nói, video call lừa đảo.
Cách phòng ngừa:
- Gọi điện trực tiếp xác minh nếu nhận được yêu cầu vay tiền.
- Thiết lập bảo mật 02 lớp cho tài khoản mạng xã hội.
- Không chia sẻ mã OTP, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
5. Lừa đảo mua hàng online, giả mạo dịch vụ vận chuyển
Thủ đoạn: Kẻ gian lập website giả mạo các trang thương mại điện tử để chiếm đoạt tiền đạt cọc. Mạo danh shipper yêu cầu người nhận hàng thanh toán trước khi mở gói hàng (trong khi bên trong là hàng giả hoặc không có giá trị).
Cách phòng ngừa:
- Chỉ mua hàng trên các trang uy tín, có đánh giá từ người dùng.
- Kiểm tra kỹ thông tin trước khi thanh toán hoặc nhận hàng.
- Nếu nghi ngờ, hãy từ chối nhận hàng và báo lên cơ quan chức năng.
6. Chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, ví điện tử
Thủ đoạn: Dùng phần mềm gián điệp, lừa người dùng nhập thông tin vào trang web giả để lấy cắp tài khoản. Gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng yêu cầu cập nhật thông tin.
Cách phòng ngừa:
- Không đăng nhập tài khoản ngân hàng trên thiết bị công cộng.
- Luôn kiểm tra địa chỉ website chính thức trước khi nhập thông tin.
- Không chia sẻ mã OTP, mật khẩu với bất kỳ ai.
* Lưu ý chung để tránh bị lừa đảo trên không gian mạng
1. Cảnh giác với những lời mời, thông tin quá hấp dẫn
2. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản cho người lạ
3. Luôn kiểm tra kỹ nguồn thông tin trước khi thực hiện giao dịch
4. Cập nhật kiến thức về an toàn thông tin, bảo mật tài khoản trực tuyến
5. Báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo