Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã điều tra, khởi tố nhiều cán bộ cấp cao thuộc các cơ quan, ban nghành trong Đảng, Nhà nước. Việc xử lý cán bộ sai phạm là điều bình thường trong công cuộc phòng, chống tham nhũng lâu nay. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự quan tâm, chú ý của dư luận để “bẻ lái”, “đánh võng” thông tin, tung ra nhiều luận điệu độc hại, sai trái. Một mặt, chúng rêu rao cho rằng tham nhũng ở Việt Nam đã lâm vào tình trạng mất kiểm soát, ăn sâu vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, không thể loại bỏ tận gốc nếu không thay đổi thể chế chính trị.
Mặt khác, chúng quy chụp, hướng lái dư luận bằng luận điệu tiêu cực về công cuộc chống tham nhũng, việc xử lý các cán bộ cấp cao gần đây để suy diễn, dẫn dắt theo chủ ý xấu. Thực tế, đây không phải là luận điệu mới. Tuy nhiên, với tâm lý tò mò, hóng tin của người đọc, sự lan truyền của mạng xã hội, những thông tin này đã tác động đến không ít người, tạo ra dư luận tiêu cực.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự liêm chính, coi trọng danh dự là nhiệm vụ trọng tâm. Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Một trong những phẩm chất quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có là: “Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Về trách nhiệm nêu gương, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu.
Phát biểu tại phiên họp của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV diễn ra tháng 3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, việc cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn làm suy yếu niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải luôn tự ý thức về trách nhiệm của bản thân, không ngừng trau dồi, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng càng được đẩy mạnh trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước ta thấy rõ “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Chính vì vậy, để giữ vững vai trò là đảng cầm quyền, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, Đảng đã triển khai toàn diện các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, Đảng cũng chú trọng phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí cũng như hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ dừng lại ở một cơ quan, bộ, ngành, địa phương, đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành một xu thế lớn trên cả nước.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc “phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”, các cơ quan chức năng đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng thực sự trong sạch, liêm chính. Đối với những cán bộ suy thoái, biến chất, các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, gắn liền với sự phân hóa quyền lực, được biểu hiện thông qua việc người có chức vụ, quyền hạn sử dụng quyền lực được giao để thực hiện hành vi vụ lợi, sai trái, xâm phạm đến lợi ích của tập thể. Không chỉ riêng Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối diện với nguy cơ tham nhũng xảy ra. Nhận thức rõ tác hại của tham nhũng, ngày 31/10/2003, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tham nhũng (UNCAC). Tính đến cuối năm 2023, Công ước này có sự tham gia của 190 quốc gia (189 quốc gia thành viên và một tổ chức thành viên) trong tổng số 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc. Thực tiễn đó cho thấy, những luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam do thể chế chính trị gây ra là hoàn sai trái, phi lý, mang tính chất quy chụp.
Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự rèn luyện, giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, theo đúng tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được đưa ra xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe. Nhờ đó, từ một Đảng cách mạng non trẻ, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta không ngừng phát triển, trưởng thành, luôn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, giao quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội.