Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của khoa học - công nghệ, nền kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia đã và đang chịu sự tác động nhiều mặt của mạng viễn thông, Internet, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Không gian mạng đã và đang có những tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn, với tốc độ ngày càng nhanh, chiếm lĩnh ngày càng nhiều thời gian thực và làm thay đổi sâu sắc, toàn diện đời sống của con người. Tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng Internet (chiếm 79,1% dân số), trong đó có 70 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook. Các tỉnh, thành phố đều có các cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh trên thế giới, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam đang phải đối diện với những nguy cơ, thách thức, trong đó nổi lên là tình trạng lộ, mất bí mật Nhà nước trên không gian mạng.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ 2015 - 2021, phát hiện hơn 350 vụ làm lộ, mất bí mật nhà nước trên không gian mạng. Trong đó, lộ lọt bí mật nhà nước bị lộ qua việc đăng tải công khai thông tin trên các website và cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước là phổ biến nhất, chiếm 57,7 %; lộ lọt bí mật nhà nước qua các trang mạng xã hội chiếm 9,3 % (đặc biệt là Facebook, Zalo) và đang có chiều hướng gia tăng; lộ lọt bí mật nhà nước qua sử dụng dịch vụ thư điện tử Gmail, Yahoo chiếm 1,6%...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng, tuy nhiên chủ yếu là các nguyên nhân sau:
Một là, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để tấn công, thu thập, đánh cắp bí mật nhà nước. Chúng khai thác các lỗ hổng bảo mật, sử dụng các phần mềm, virus để tấn công vào các hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước… để đánh cắp, thu thập bí mật nhà nước.
Hai là, hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo vệ bí mật nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị còn lạc hậu, chưa đủ mạnh để chống lại các cuộc tấn công mạng, gián điệp mạng của các nhóm tin tặc, phản động. Qua công tác giám sát an ninh mạng của lực lượng chức năng cho thấy một số lượng lớn cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tồn tại lỗ hổng bảo mật.
Ba là, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thi hành công vụ, vì nhiều lí do khác nhau, trong đó có cả sự cẩu thả, vô ý đã đăng tải, truyền đưa tài liệu, văn bản chứa nội dung bí mật nhà nước lên môi trường mạng; chuyển, nhận tài liệu bí mật nhà nước qua môi trường mạng tuy nhiên không mã hóa theo quy định; soạn thảo bí mật nhà nước trên máy tính có kết nối Internet; sử dụng mạng Internet để chuyển, nhận tài liệu chứa nội dung bí mật nhà nước.
Bốn là, tình trạng một số báo điện tử vì mục đích “câu view, câu like” đã bất chấp quy định của pháp luật, khai thác, đăng tải nhiều thông tin, tài liệu chứa nội dung bí mật nhà nước liên quan an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng, chủ trương của Đảng, Nhà nước chưa được phép hoặc không được phép công bố lên không gian mạng.
Thời gian tới, không gian mạng tiếp tục là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, đánh cắp, thu thập bí mật nhà nước. Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên không mơ hồ, mất cảnh giác, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tội phạm mạng trong việc thu thập tin, tài liệu bí mật nhà nước. Nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ công tác biên tập, đưa thông tin lên các cổng thông tin điện tử, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phòng ngừa, ngăn chặn việc để lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước.