Cảnh giác nguy cơ tiềm ẩn "Cách mạng màu"

Thứ năm - 19/09/2024 04:34
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)
"Cách mạng màu" được biết đến như một chiêu bài chính trị kiểu mới của các thế lực thù địch, phản động nhằm kích động, gây mất trật tự xã hội, gây bất ổn, xung đột, tạo điểm nóng ở một số nơi và thổi nóng các mâu thuẫn trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Với những thủ đoạn chống phá tinh vi, diễn biến phức tạp; “cách mạng màu” như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam. Hiện “cách mạng màu” đang tiềm ẩn những nguy cơ vô cùng to lớn đối xã hội chủ nghĩa nước ta hiện nay. Âm mưu của chúng là tác động trực tiếp và gián tiếp đến các lĩnh vực của đời sống, chính trị, kinh tế, văn hoá ở nước ta...
Vậy “cách mạng màu” là gì, cách mạng màu có nguy cơ tiềm ẩn như thế nào đối với Đảng và Nhà nước ta hiện nay? “Cách mạng màu” hay còn gọi là “cách mạng nhung”, “cách mạng đường phố”… là thuật ngữ chỉ những phong trào phản kháng với đặc điểm nổi bật là dùng phương pháp phi bạo lực, phi vũ trang nhằm lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm, đòi hỏi lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được các thế lực phản động hậu thuẫn. “Cách mạng màu” là một trong những thủ đoạn vô cùng nguy hiểm nằm trong âm mưu diễn biến hoà bình mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện. Một trong những mục tiêu quan trọng được ưu tiên của âm mưu này là nhằm lật đổ các nước xã hội chủ nghĩa. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng những vụ việc không may xảy ra, chúng xuyên tạc, “bẻ lái”, viện cớ để kích động, nhen nhóm lên những đốm lửa phá hoại, gieo rắc tâm trạng bất mãn, tiêu cực cho một bộ người dân để đến khi thích hợp sẽ tổ chức kích động, tiến hành bạo loạn.
Ở Việt Nam, các thế lực thù địch cũng đã manh nha sử dụng kịch bản này đã gây ra một số vụ việc bạo loạn. Ví dụ như: Năm 2016, dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra, các đối tượng đã kích động một số cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực vi phạm pháp luật dưới chiêu bài “vì môi trường, chống Công ty Formosa Hà Tĩnh”. Năm 2018, các phần tử xấu hô hào gọi là “Hoạt động phản đối Dự thảo Luật Đặc khu”, “thể hiện lòng yêu nước”… lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người trái phép, gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Và năm 2019, tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có trụ sở tại Mỹ do Đào Minh Quân - quốc tịch Mỹ cầm đầu, chỉ huy đã dựng lên các chiêu trò bịp bợm, lôi kéo bằng những lời hứa hẹn sẽ cấp đất, xây nhà, hỗ trợ tài chính cho người nghèo để đánh vào lòng tham của một bộ phận thiếu hiểu biết, hứa hẹn phong chức tước, bổ nhiệm cho các thành viên, đồng thời bịa đặt những thông tin, luận điệu xuyên tạc nhằm lừa phỉnh những người nhẹ dạ, nhất là những người có trình độ học vấn thấp hay những người bất mãn, tiêu cực… đổi lại những ai đăng ký nhận hỗ trợ sẽ phải tham gia “trưng cầu dân ý” thể hiện quan điểm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cái kết đã làm cho nhiều người cứ chờ đợi trong hy vọng; nhà, đất không thấy đâu chỉ thấy vướng vào vòng lao lý.
Các cuộc “cách mạng màu” thường diễn ra theo lộ trình ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh vi nhằm đạt được mục tiêu lớn nhất của “cách mạng màu” là thiết lập được một chính quyền thân Mỹ và các nước phương Tây. Đầu tiên là giai đoạn chuẩn bị. Đây là giai đoạn tạo ra các điều kiện cần thiết cho việc gây ra một cuộc “cách mạng màu”, công cuộc mị dân, các thế lực thù địch tuyên truyền những luận điệu, tư tưởng sai trái nhằm hạ uy tín, hình ảnh, thổi phồng các khuyết điểm, yếu kém của chính quyền đương nhiệm đồng thời cũng tô, vẽ cho các nhân vật thuộc phe đối lập thành những “anh hùng dân tộc mới” chắc chắc sẽ đem lại tự do, dân chủ, ấm no cho nhân dân. Khi những bước đầu của “cách mạng màu” đã thành công, giai đoạn tiến hành được tiếp tục triển khai. Đây là giai đoạn mà phe đối lập ở trong nước phối hợp với các thế lực thù địch ở nước ngoài tiến hành các kịch bản đã được xây dựng sẵn khi mọi điều kiện và thời cơ đã chín muồi. Sau giai đoạn tiến hành “cách mạng màu”, công việc cuối cùng của lực lượng đối lập là tiến hành kết thúc cách mạng. Phụ thuộc vào kết quả của cuộc cách mạng thành công hay thất bại, lực lượng đối lập trong nước và các thế lực bên ngoài sẽ tiến hành những công việc phù hợp với tình hình.
Cách mạng màu” chính là vũ khí để các nước tư bản chủ nghĩa ứng xử theo tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, coi thường luật pháp quốc tế, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập có chủ quyền. “Cách mạng màu” là công cụ đắc lực cho Mỹ và các nước phương Tây để áp dụng với các nước nhỏ, không chịu theo quỹ đạo “độc quyền” mà họ đã đề ra. Mục tiêu tổng quát của “cách mạng màu” là lật đổ những người đứng đầu nhà nước như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch nước, lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm. Sau khi “cách mạng màu” diễn ra thành công, đảng phái đối lập sẽ nhanh chóng lên nắm quyền và thiết lập bộ máy nhà nước mới trên cơ sở có lợi cho những “đạo diễn” của “cách mạng màu” là Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công cuộc mị dân của “cách mạng màu” trong những năm vừa qua đã khiến nhiều nước lâm vào tình cảnh khốn cùng.
Ở một số nơi diễn ra “cách mạng màu”, Mỹ và phương Tây hứa hẹn sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất cho người dân nhưng thực chất đã khiến đời sống của họ sau “cách mạng màu” rơi vào tình thế cùng cực. Điển hình như sau “thành công” của “cách mạng cam” tại Ukraine (năm 2004) lật đổ Thủ tướng Vichto Yanukovich đưa Viktor Yushchenko lên cầm quyền và hướng đất nước về phía Tây với sự gia nhập EU và NATO; chính quyền sở tại đã khiến 46 triệu dân Ukraine phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội “đen tối của lịch sử nước này”, với chỉ số báo động: Năm 2008 - 2009, GDP của nước này giảm 15%; lạm phát tăng 16,4%; thu nhập thực tế của người dân giảm gần 11%, số thất nghiệp tăng gấp ba. Những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra như: xung đột vùng miền, chia rẽ sắc tộc, bạo lực, trả thù cá nhân, chính sách xã hội không thực thi hiệu quả… Kinh tế ngày càng trầm trọng, nợ nước ngoài tăng nhanh; lãnh đạo nước này rơi vào cảnh “gà mắc tóc”; dù Mỹ và phương Tây có viện trợ tới 35 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế Ukraine thoát khỏi nguy cơ sụp đổ của chính quyền thân Mỹ. Thậm chí, tại thời điểm này, Ukraine hiện đang tham chiến quân sự với Nga khiến cuộc sống của hàng nghìn người dân luôn trong tình trạng khó khăn, bất ổn.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn nguy cơ “cách mạng màu” ở Việt Nam, cần thiết tăng cường nguồn sức mạnh nội sinh - những yếu tố chủ quan làm thành trì vững chắc để đấu tranh với các yếu tố tác động bên ngoài. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Tăng cường công tác vận động quần chúng nhất là vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần công khai, minh bạch, nhanh chóng, kịp thời thông tin những vụ việc phức tạp, để người dân được tiếp cận tình hình, không để các thế lực thù địch lợi dụng, bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt, quan tâm đến công tác tuyên truyền với sinh viên, thanh niên, trí thức - đây là lực lượng nòng cốt đông đảo trong các cuộc biểu tình của “cách mạng màu” trên thế giới đã diễn ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, luôn đề cao cảnh giác và thực hiện các giải pháp nhằm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn để tiến hành “cách mạng màu ở Việt Nam”.
 “Cách mạng màu” là mối nguy hiểm tiềm tàng bởi đây là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, dân tộc. Nếu để “cách mạng màu” có mầm mống, nguy cơ xảy ra thì tình hình chính trị - xã hội của quốc gia trong tương lai sẽ khó tránh khỏi việc mất độc lập, đe doạ đến an ninh quốc gia và sự tồn vong. Khi các hoạt động này thực hiện, chúng tác động đến các lĩnh vực của đời sống, chính trị, xã hội, tác động trực tiếp và gián tiếp đến chính trị, kinh tế, văn hoá ở nước ta... Từ đó, có thể dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn mất trật tự xã hội, gây bất ổn, xung đột, tạo điểm nóng ở một số nơi và nguy cơ gây nên mâu thuẫn trong một bộ phận quần chúng nhân dân… Khi đó, dù là một quốc gia độc lập nhưng họ sẽ luôn bị thao túng, trói buộc mọi phương diện dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, “không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ là lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến mà đây còn là bài học sâu sắc mà chế độ xã hội chủ nghĩa xã hội đã sớm nhận ra và thực hiện.

Tác giả: Phòng An ninh chính trị nội bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Trực ban
Số điện thoại cần biết
Hot line
An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao
laichau.gov.vn
bocongan.gov.vn
Lịch tiếp công dân
dichvucong.bocongan.gov.vn
Khai báo tạm trú
Chuyển đổi số
Cải cách hành chính
TRANG ZALO CÔNG AN LAI CHÂU
  • Đang truy cập74
  • Hôm nay43,434
  • Tháng hiện tại1,232,645
  • Tháng trước1,975,320
  • Tổng lượt truy cập18,608,729
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down