Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, cùng với đó là những tác động trong quá trình hội nhập về kinh tế - văn hoá - xã hội, đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, vì thế những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc là việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.
Xu thế hội nhập quốc tế hiện nay ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực giúp các quốc gia, dân tộc nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng xích lại gần nhau hơn để hợp tác, trao đổi, giao lưu, học hỏi và cùng nhau phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là bước phát triển nhảy vọt của văn minh nhân loại, mở ra những không gian mới, mang lại những loại hình dịch vụ, giải trí tiện lợi cho con người, hướng tới sự phát triển toàn diện nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, việc quảng bá sâu rộng văn hóa đại chúng, văn hóa tiêu dùng, thời trang, ẩm thực, giải trí càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã và đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kéo theo đó là văn hóa dân tộc cũng chịu những tác động trái chiều, chịu nhiều thách thức trước sự hội nhập này.
Theo những xu hướng mới, trong đó có cả những xu hướng tiêu cực, không ít người đã vội vã tiếp nhận cái mới để rồi trở nên sùng bái và cuồng tín, hối hả chạy theo những trào lưu, lối sống khác lạ, dần dần tự đánh mất bản sắc và không làm chủ được bản thân mình. Lợi dụng điều đó, các đối tượng thù địch, phản động đã coi văn hóa là một trận địa mới để chống phá, chúng đã không ngừng thực hiện các âm mưu, thủ đoạn tinh vi, khó lường. Chính vì vậy, nếu không có bộ lọc đủ mạnh sẽ có nguy cơ dẫn tới tiếp thu một cách thụ động, ồ ạt và từ đó rất dễ dẫn đến tình trạng nguồn lực, sức mạnh nội sinh trong nước bị những yếu tố ngoại sinh lấn át, chi phối, làm triệt tiêu tính đa dạng văn hóa dân tộc, tự đánh mất bản sắc, cội rễ và truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Thực tế cho thấy, đã có không ít thanh, thiếu niên làm mất đi những mối quan hệ, giao tiếp đời thường, tính đoàn kết, rơi vào trạng thái cô đơn, trầm cảm, chối bỏ những giao tiếp trực tiếp của cuộc sống hiện thực vì bị lệ thuộc, nghiện internet và mải mê trong thế giới ảo. Những thanh, thiếu niên này thường bị các đối tượng xấu dụ dỗ, sa vào tệ nạn như: cá cược, lô đề, cờ bạc, buôn bán ma túy; tham gia vào những hội nhóm tôn giáo mang màu sắc thần bí, mê tín dị đoan, dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, để lại những hậu quả tai hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, trên các trang mạng xã hội cũng nhiều video clip có nội dung nhảm nhí, phản cảm, xuyên tạc lịch sử, đi ngược lại truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật Việt Nam, nếu không có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn sẽ để lại những hệ lụy khôn lường, nguy cơ làm lệch lạc nhận thức cũng như sự phát triển lành mạnh của xã hội, nhất là giới trẻ.
Tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Văn hoá là hồn cốt dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất…” đó như lời thức tỉnh chúng ta về nguy cơ xói mòn, mai một giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc là hồn cốt của văn hoá dân tộc, là những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được kết tinh bởi lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bản sắc văn hóa dân tộc là tập hợp các giá trị văn hóa, thứ tự xã hội, tập quán và đặc điểm nghệ thuật đặc trưng cho một nhóm người cụ thể hoặc một cộng đồng dân tộc thường xuất phát từ lịch sử, địa lý, truyền thống và ngôn ngữ riêng biệt của dân tộc đó; là những sắc thái, đặc thù riêng về văn hóa tạo thành nét đẹp đặc trưng, là yếu tố độc đáo, tồn tại duy nhất trong văn hóa tính thần, là nét đẹp kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, cần được giữ gìn và tiếp nối đến nhiều thế hệ.
Để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, chúng ta cần phải thúc đẩy các hoạt động tìm hiểu và giới thiệu văn hóa dân tộc cho người dân trong nước và quốc tế; thực hiện đúng các chính sách và biện pháp của Nhà nước trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc. Các cơ quan quản lý văn hóa cần có trách nhiệm đưa ra các giải pháp cụ thể và hiệu quả để giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc. Đồng thời, người dân cũng cần tham gia và đóng góp công sức vào việc tuyên truyền nhằm gìn giữ và phổ biến những giá trị văn hoá của dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Từ đó mới có thể vừa giữ gìn để bản sắc văn Việt Nam không bị mai một, vừa phát huy những giá trị đẹp đẽ và được lưu truyền cho những thế hệ sau.