Thông tin sáp nhập tỉnh là không chính xác

Thứ sáu - 29/11/2024 21:00
Những ngày qua, trên mạng xã hội mọi người chia sẻ hình ảnh thông tin, danh sách liệt kê các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ chia tách, sáp nhập. Trong danh sách này bao gồm các cột thông tin về các tỉnh cũ sẽ chia tách, sáp nhập; tên gọi tỉnh mới; nơi đặt tỉnh lỵ; diện tích tách nhập và tổng diện tích mới; dân số từng đơn vị tách nhập và tổng dân số đơn vị hành chính mới; dữ liệu tổng sản phẩm trên địa bàn… Tuy nhiên các thông tin này là không chính xác theo phát ngôn chính thức từ Bộ Nội vụ.
Thông tin sáp nhập tỉnh được chia sẻ trên mạng xã hội
Theo phát ngôn chính thức từ người phát ngôn của Bộ Nội đã khẳng định: Các thông tin, hình ảnh danh sách sáp nhập các tỉnh thành và các bộ ngành đang làn truyền trên mạng xã hội là không chính xác. Hiện chưa có cơ quan có thẩm quyền nào cung cấp thông tin về việc sáp nhập.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng đang triển khai việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, như chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm. Nội dung này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định “đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị”. Trước mắt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ được triển khai thực hiện ở cấp Trung ương; đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ thực hiện sau và hiện tại chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành.
Các thông tin về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị hiện đang trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và đang được thực hiện theo chế độ mật, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nêu rõ, ai đưa lên mạng phương án này là sai quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước; ai vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Nội vụ đã trao đổi với Bộ Công an và đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa các thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
Do đó mỗi cá nhân khi đăng tải, chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội chịu sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng năm 2018, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định 72/2013... Hành vi tạo ra, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm (điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018).
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả của việc tung tin thất thiệt, các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 15/2020 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 14/2022) quy định hành vi đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022). Theo đó, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân…
Người vi phạm còn phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020, mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, đối với cá nhân có hành vi vi phạm thì xử phạt bằng 1/2 lần mức xử phạt của tổ chức.
Về chế tài hình sự, hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử lý về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tội Vu khống theo Điều 156 BLHS 2015, tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo khoản 1 Điều 288 BLHS 2015... Về dân sự, người vi phạm phải gỡ bỏ, cải chính thông tin đã đăng sai sự thật, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Do đó mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội trước các thông tin chưa kiểm chứng nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng tải, chia sẻ, bày tỏ quan điểm để tránh vô tình trở thành người đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật và phải chịu các hệ quả không đáng có./.

Tác giả: Minh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Góp ý dự thảo

Trực ban
Số điện thoại cần biết
Hot line
An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao
laichau.gov.vn
bocongan.gov.vn
Lịch tiếp công dân
dichvucong.bocongan.gov.vn
Khai báo tạm trú
Chuyển đổi số
Cải cách hành chính
TRANG ZALO CÔNG AN LAI CHÂU
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay10,750
  • Tháng hiện tại60,884
  • Tháng trước728,315
  • Tổng lượt truy cập20,580,143
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down