Công an tỉnh Lai Châuhttps://congan.laichau.gov.vn/uploads/logoca.webp
Thứ tư - 12/04/2023 02:38
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với gần 80 triệu người dùng, chiếm 78% dân số. Có thể thấy, mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới.
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có dân số sử dụng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với gần 80 triệu người dùng, chiếm 78% dân số. Có thể thấy, mạng xã hội không còn chỉ đơn thuần là phương tiện truyền đạt thông tin mà còn là công cụ hữu hiệu trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo và phổ biến những giá trị văn hóa mới.
Mạng xã hội đã làm thay đổi rất nhiều cách tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hoá, tinh thần đem lại nhiều lợi ích và tác động tích cực tuy nhiên đi cùng với những lợi ích thì mạng xã hội cũng mang lại những mặt trái, những vấn đề đáng báo động, trong đó tình tình trạng xuống cấp về đạo đức, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử trên mạng và thậm chí là lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đang diễn ra ngày một nhiều.
Những vấn đề gọi là “tin đồn”, “tin vịt” giờ đây qua bàn tay nhào nặn của các “Idol mạng” trở thành một trào lưu đưa tin, hóng biến rồi bóc phốt trên mạng như một phương thức thu hút dư luận cũng như một cách để giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công nhau. Đã có rất nhiều cá nhân bị xử lý hành chính, xử lý hình sự khi tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung sai sự thật trên mạng xã hội bị các cơ quan chức năng xử lý nhưng vẫn chưa thay đổi được hầu hết các hành vi trên không gian mạng. Người dân có quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật tuy nhiên lại hiểu chưa đầy đủ khi nào và ở đâu được tiếp cận thông tin từ đó dẫn đến một loạt các vụ việc livestream chống đối các lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng và hậu quả để lại là bị xử lý hình sự.
Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng do Microsoft công bố năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ văn minh thấp trên không gian mạng. Cũng theo khảo sát này, những chủ đề người Việt Nam thường có những hành vi ứng xử không đúng mực về các vấn đề như: Quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình, chủng tộc và chính trị... đây cũng có thể coi là một hình thức của bắt nạt trực tuyến. Các nạn nhân của việc bắt nạt trực tuyến thường phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực về mặt tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, tự làm đau bản thân và thậm chí tự tử. Hiện tượng này đang có xu hướng tăng, đặc biệt đối với lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
Bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội để tấn công, xúc phạm người khác, những nội dung “bẩn”, nhảm nhí, độc hại, phản cảm cũng ngày càng phổ biến trên các trang mạng xã hội và các nội dung này thu hút sự chú ý của người dùng hơn so với những nội dung “sạch”, có giá trị. Có thể kể đến một số nội dung như: Mê tín dị đoan, khoe các bộ phận nhạy cảm, xúc phạm người nghèo... Chưa kể đến một loạt các giang hồ mạng với nội dung tục tĩu, vô văn hoá, cổ vũ lối sống bạo lực suy đồi như: Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh, Khánh Sky, Anna Bắc Giang,… Những “thần tượng mạng” nổi lên từ các trào lưu phản cảm, nhảm nhí dần trở thành hình mẫu cho giới trẻ dẫn tới những hệ lụy đáng báo động.
Nguyên nhân của tình trạng lệch lạc trong văn hóa ứng xử trên mạng xã hội bao gồm: Sai lệch trong nhận thức và hiểu biết về xã hội chạy theo trào lưu bỏ qua đạo đức, chuẩn mực văn hóa để tìm sự nổi tiếng ảo; không nhận thức được hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân bị ảnh hưởng do hành vi trên không gian mạng của bản thân mang lại; việc phát hiện, xử lý với các hành vi trên không gian mạng còn chưa triệt để do vướng mắc về kỹ thuật và hành lang pháp lý…
Để xây dựng, phát triển văn hoá, ứng xử lành mạnh trên không gian mạng thì vai trò của mỗi cá nhân tham gia là điều cốt yếu nhất là nâng cao ý thức sử dụng mạng xã hội sao cho đảm bảo lành mạnh, an toàn là nội dung cốt lõi thông qua nâng cao kỹ năng nhận biết và ý thức cho người dùng nói chung. Hoàn thiện chính sách và hệ thống pháp luật trong quản lý các nội dung mạng xã hội, xử lý các hành vi vi phạm và tăng cường quản lý, kiểm duyệt nội dung cũng như xử lý đối với các nhà cung cấp dịch vụ khi cần thiết.
Đồng thời phải chủ động “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực lấn át cái tiêu cực” với vai trò của các cơ quan truyền thông chính thống, báo chí cách mạng, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trên mạng, những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ hiện nay sản xuất, sáng tạo lan tỏa những nội dung có giá trị, phù hợp với văn hóa Việt, góp phần, biến những nội dung sạch thành dòng thông tin chủ đạo trên không gian mạng
Tác giả: Ban Biên tập, Phòng An ninh Chính trị nội bộ