Sinh viên Việt Nam thuộc nhóm thanh niên có độ tuổi đa số từ 18 đến 25, một số ít có tuổi đời thấp hoặc cao hơn tuổi thanh niên; đây là nhóm xã hội đặc biệt vừa là một bộ phận của thanh niên, vừa là một bộ phận của đội ngũ trí thức trong tương lai.
Sinh viên Việt Nam xuất thân từ các giai tầng khác nhau của mọi miền đất nước; do các trường Đại học, cao đẳng chủ yếu mở tại các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh, thành phố và cơ bản sinh viên nước ta xuất thân từ nông thôn nên khi vào học tại các trường chuyên nghiệp đa số sống tập trung trong các khu ký túc xá hoặc ở trọ xung quanh các trường học; đây là lớp người rất năng động, luôn chủ động, tích cực và nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin mới, những luồng tư tưởng mới trong xã hội.
Tuy nhiên, do còn có giới hạn về trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống nên khả năng phân tích và chọn lọc thông tin có những hạn chế nhất định. Trong thực tế, nhiều sinh viên ít quan tâm đến những vấn đề chính trị - xã hội, lập trường tư tưởng chưa thật sự vững vàng nên đôi khi còn dễ dao động, dễ bị lôi kéo…
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào các tệ nạn xã hội, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử…. Đây là những điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Chúng tập trung thâm nhập vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên nhằm phá vỡ các tổ chức này; đưa các xuất bản phẩm đồi trụy, phản động vào đời sống tinh thần của sinh viên; lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa; triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên; đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, clip... trên mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với những chiêu bài tinh vi đó của các thế lực thù địch, có sinh viên do còn mơ hồ về chính trị, thiếu kinh nghiệm sống nên bị mắc mưu; một số sinh viên đã bị lôi kéo, tham gia biểu tình chống chính quyền; lập các blog cá nhân đăng tải nội dung cổ xúy cho các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bình luận xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn xã hội...
Để phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa trong sinh viên cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng; đổi mới đồng bộ cả nội dung và chương trình đào tạo theo hướng giảm dần những kiến thức kinh viện, tăng dần những kiến thức thực tiễn; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp hài hòa các phương pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống với hiện đại.
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trong các học viện, nhà trường; đổi mới nội dung hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên theo hướng hiệu quả, thiết thực. Nội dung hoạt động phải phong phú, sinh động làm cho sinh viên thấm nhuần quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tăng cường giáo dục cho sinh viên ý thức công dân, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, nhất là trách nhiệm trong đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, phản động; nhanh chóng nắm bắt tâm lý, tư tưởng của sinh viên; phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong tư tưởng, lối sống; chú trọng đến việc định hướng dư luận để giúp sinh viên có những nhận thức đúng đắn về các hiện tượng xã hội.
Thứ ba, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho sinh viên; quan tâm, tạo điều kiện cho sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về điều kiện ăn, ở trong các ký túc xá; các giảng đường, thư viện được trang bị các thiết bị dạy học, thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ... ; góp phần giúp sinh viên có an tâm, thoải mái, hứng khởi, tin tưởng vào môi trường học tập, tránh xa những tệ nạn xã hội và tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập và rèn luyện; nhất là học tập lý luận chính trị để trang bị cho mình nền tảng lý luận vững chắc, tăng cường khả năng “miễn dịch” trước các âm mưu của các thế lực thù địch. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tỉnh táo trước những chiêu bài mua chuộc của các thế lực thù địch; luôn có ý thức trách nhiệm khi tham gia các trang mạng xã hội, nhất là những trang mạng có nội dung chính trị - xã hội; tích cực tham gia vào các chương trình do nhà trường, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên tổ chức…
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ sinh viên vững vàng về tri thức và lập trường chính trị, tư tưởng, kiên định trước mọi sự lôi kéo, chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch; đấu tranh, phòng, chống “Diễn biến hóa bình” của các thể lực cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội vào cuộc./.