Phần 2: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất trước diễn biến hoà bình
Sau những ngày vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. So với những năm trước đây, năm nay nhân dân ta vui Tết, mừng Xuân Quý Mão trong bối cảnh, cuộc sống bình thường mới: Đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi; bộ máy của Đảng, Nhà nước được kiện toàn, hoàn thiện, ngày càng tăng thêm sức mạnh; chương trình hành động, kế hoạch thực hiện “năm bản lề 2023” và các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vạch ra đã sớm được Đảng, Nhà nước xác định, triển khai với quyết tâm chính trị rất cao và hệ thống giải pháp cụ thể.
Ngay từ đầu năm mới chúng ta đón nhận nhiều quyết sách quan trọng mang tính chất đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Trong đó có nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm như: Về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; kinh tế tập thể; đất đai, chứng khoán, thị trường bất động sản, xuất nhập khẩu; về đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”, tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tính ưu việt của chế độ XHCN.
Tuy nhiên, trước những thành tựu, niềm vui của dân tộc thì các thế lực thù địch, các đối tượng phản động ở hải ngoại lại hoạt động chống phá, rêu rao, gieo rắc sự hoải nghi trong xã hội. Chúng cường điệu, khoét sâu vào một số hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất là một số hiện tượng, sự việc đơn lẻ, biến nó thành phổ biến, tất yếu của chế độ, rồi đổ lỗi cho hệ thống chính trị, do một Đảng lãnh đạo tạo ra sự tụt hậu kinh tế so với trình độ phát triển chung, cho rằng Đảng chỉ tập trung nỗ lực vào vấn đề chuyên quyền chính trị, thay vì vấn đề kinh tế; suy diễn Đảng đang làm thay Nhà nước. Chúng sử dụng triệt để những chiêu bài dân chủ, đa nguyên, thúc đẩy cái gọi là “xã hội dân sự” để cổ vũ sự bất đồng ý kiến về quan điểm trong Đảng, từ đó để chia rẽ đoàn kết dân tộc, từ đó hòng tạo ra phe phái, hội nhóm đối lập nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại cố tình đi ngược lại sự thật, cố tình thổi phồng những khuyết điểm, sai lầm của Đảng và quy kết Đảng không đủ năng lực lãnh đạo trong điều kiện mới, quy kết vì độc đảng nên tham nhũng, tiêu cực. Rõ ràng đây là một sự xuyên tạc, vu cáo Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm kích động, chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong
Không thể phủ nhận, trong thời gian vừa qua có nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự do vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Đảng đã nghiêm túc xử lý đồng thời tiến hành phê bình, tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm trên tinh thần “tự soi, tự sửa”, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Trong quá trình phát triển, cũng như ở các quốc gia đa đảng, không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế, nhất là vấn đề tham nhũng, tiêu cực vấn đề quan trọng là Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sự thật để chỉnh đốn, để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Điển hình Đảng ta đã và đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đây là cơ chế đã được khẳng định từ cơ sở lý luận đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tại Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII (Nghị quyết số 27-NQ/TW) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định: Tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa, hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước là nội dung trọng tâm nhằm phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Trong đó nêu rõ các biện pháp công tác cụ thể nhằm hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… tăng cường và bảo đảm Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Chúng ta thấy rõ, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII đã thể hiện tư duy mới, quan điểm mới của Đảng cả về lý luận và thực tiễn trên cơ sở kế thừa thành tựu, khắc phục hạn chế để tiếp tục hoàn thiện, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Những giải pháp, việc làm kịp thời, nhân văn, kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai… trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý cán bộ vi phạm của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian gần đây là sự minh chứng rõ ràng đối với hiệu lực, hiệu quả “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Công tác đấu tranh được thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn củng cố uy tín của Đảng niềm tin của quần chúng nhân dân.
Trước những luận điệu xuyên tạc mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đồng thời phải ghi nhận sự ổn định dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong bối cảnh sau những khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế do tình hình chính trị ổn định, năng động, nhiều cơ hội để phát triển. Chủ động giữ vững bên trong là chính để tự đề kháng trước mọi hoạt động diễn biến hoà bình./.