Cách đây 80 năm, vào tháng 02/1943 Đảng ta đã thông qua bản Đề cương văn hoá Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh đã khởi thảo, đây được coi là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hoá là sợi chỉ đỏ xuyên suốt được vận dụng sáng tạo, hiệu quả để toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đề cương mang sứ mệnh to lớn khơi thông mạch nguồn văn hoá dân tộc khi đẩy mạnh phong trào phản đế quốc, phản phong kiến, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đề cương cổ vũ tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng là ngọn đuốc soi đường phát triển nền văn hoá mới. Bản đề cương đã xác định ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hoá ở Việt Nam thời kỳ này là tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học. Văn kiện đã đặt nền móng, mở đường cho xây dựng lý luận về văn hoá ở Việt Nam và còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "nền văn hoá xã hội chủ nghĩa".
Cho đến nay bản Đề cương văn hoá vẫn còn nguyên giá trị, được thể chế hóa thành nghị quyết Đại hội XIII với nội dung trọng tâm: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc.
Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.