Hành vi đưa hối lộ không chỉ là một tội phạm nguy hiểm xâm phạm đạo đức xã hội mà còn bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tham nhũng, làm giảm uy tín của các cơ quan nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.
1. Xử lý hình sự
Theo Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, người đưa hối lộ sẽ bị xử lý với các mức độ khác nhau tùy theo giá trị của hối lộ và mức độ vi phạm:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu tài sản hối lộ có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc là lợi ích phi vật chất.
- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu hành vi đưa hối lộ có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, hoặc giá trị tài sản hối lộ từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm nếu tài sản hối lộ có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu tài sản hối lộ có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Xử phạt hành chính
Ngoài các quy định về hình sự, hành vi đưa hối lộ cho người thi hành công vụ cũng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, khoản 3, Điều 21 quy định:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Quy định này nhấn mạnh rằng không chỉ hành vi đưa hối lộ với số tiền lớn mới bị xử lý, mà ngay cả những hành vi nhỏ hơn, như đưa hối lộ cho người thi hành công vụ trong các trường hợp kiểm tra, thanh tra, cũng bị xử phạt nghiêm minh. Điều này góp phần tăng cường tính minh bạch và liêm chính trong hoạt động công vụ.
Để xây dựng xã hội trong sạch và công bằng, Công an tỉnh Lai Châu khuyến cáo Nhân dân:
1. Tuyệt đối không tham gia vào hành vi đưa hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Tố giác kịp thời những hành vi yêu cầu hoặc gợi ý đưa hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn.
3. Nâng cao nhận thức pháp luật để tự bảo vệ mình và cộng đồng trước những hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi đưa hối lộ không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Hãy tôn trọng pháp luật và hành động đúng đắn để góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và phát triển bền vững.