Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định cụ thể trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật khiếu nại, Luật tố cáo… Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước ta công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở pháp luật, góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa phương.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại đất nước ta diễn ra mạnh mẽ đã đem lại những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân trên mọi lĩnh vực xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó đã nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Trong 8 tháng đầu năm 2024, xảy ra 04 lượt/52 người tập trung đồng người rào đường cản trở thi công công trình, yêu cầu doanh nghiệp chi trả tiền lương cho công nhân…
Nguyên nhân: Cơ chế, chính sách, pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thiếu đồng bộ; các quy định của pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn trong thực hiện; thực tế trong quá trình thực hiện một số dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ thiếu chặt chẽ ngay từ ban đầu; người dân có đất bị thu hồi chưa được giải quyết việc làm, chưa có quỹ đất tái định cư kịp thời và vốn để tái đầu tư sản xuất, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến phát sinh khiếu kiện. Còn một số cán bộ làm công tác tiếp dân, thực hiện chính sách pháp luật về đất đai có biểu hiện nhũng nhiễu gây phiền hà. Công tác cải cách hành chính còn chậm, có những vụ việc để kéo dài, dẫn đến người dân bức xúc; trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế… dễ bị kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện.
Trong 8 tháng đầu năm 2024 chưa xảy ra tình hình khiếu kiện phức tạp hoặc tập trung đông người kéo lên Trung ương khiếu kiện gây mất an ninh, trật tự. Tuy nhiên, nếu quyền, lợi ích chính đáng của người dân không được các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết thấu tình, đạt lý, giải quyết dứt điểm ngay từ ban đầu, ngay tại cơ sở… dễ bị các thế lực thù địch, phần tử xấu mua chuộc, lôi kéo, hướng dẫn cách thức hoạt động khiếu kiện và cách thức đối phó, chống đối các cơ quan chức năng; lôi kéo, kích động, tập hợp những người có cùng chung quan điểm để khiếu nại, tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi dụng bưu chính, viễn thông gửi đơn, thư tập thể, nặc danh hoặc tung tin đồn thất thiệt nhằm vu khống, bôi nhọ với mục địch hạ uy tín của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; các đối tượng hướng dẫn người dân viết đơn, thư khiếu kiện, tụ tập đông người kéo đến trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp để gây sức ép; viết, tán phát tin bài trên mạng xã hội để tạo tiếng vang; xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế, vu khống, thổi phồng vụ việc để tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, lôi kéo người dân tham gia, sau đó lợi dụng vụ việc để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền…
Các thế lực thù địch thường lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của Tỉnh như: Đại hội Đại biểu toàn quốc, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn nguyên thủ quốc gia, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại địa phương… để kích động, lôi kéo người dân tụ tập đông người, đòi yêu sách…
Nhìn chung, các vụ việc khiếu nại, tố cáo xảy ra, đối tượng đi khiếu kiện là những người dân lao động, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế. Các đối tượng đã lợi dụng cơ hội để kích động người dân khiếu kiện vượt cấp gây mất an ninh, trật tự. Để góp phần phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng Công an cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và các văn bản chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, xâm phạm quyền, lợi ích của người dân; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật, kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hoặc tài trợ, kích động, hoạt động khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp.
Hai là, cần thông qua nhiều kênh, hình thức thông tin khác nhau để tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về quyền khiếu nại, tố cáo, trình tự thực hiện quyền này trên cơ sở thực tôn pháp luật; tuyên truyền về âm mưu, hoạt động của kẻ địch lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự. Từ đó, thúc đẩy người dân tự giác tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; mỗi người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đều hiểu rõ và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo trên cơ sở pháp luật.
Ba là, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xung đột, khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp; thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc bảo đảm thiết thực, hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở từng địa phương; phát huy sức mạnh của các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật; vận dụng linh hoạt các biện pháp công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
Bốn là, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách về đất đai, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Qua đó, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế; phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đao, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở, các tầng lớp nhân dân trong phối hợp với lực lượng Công an giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài gây mất ổn định về an ninh chính trị ở cơ sở.
Năm là, không ngừng chăm lo, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân; tiếp tục phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa, vùng sâu; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ dân trí, văn hoá, xã hội cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn; tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc; thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; quan tâm xây dựng, củng cô nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ gìn an ninh, trật tự./.